THI SỸ VÀ THƠ VÀ...
Bát-la, nhà phân tâm vật chất, đồng thời cũng là nhà thơ Pháp nửa đầu thế kỷ 19 nhận định về thơ như sau: Mỗi một bài thơ là một sự mời gọi ta đi vào một cuộc viễn du.
Đúng thế, thơ là kết quả của một trí tưởng tượng phong phú, đưa ta vào một thế giới khác, thế giới của mộng mơ, của những hình ảnh hư ảo.
Cuộc viễn du thơ, trong một không gian lãng mạn, từ chiếc bàn tròn trải khăn trắng muốt, đến nắng vàng chiều thu mát dịu chiếu qua lớp kính trần, trên sân khấu hai chữ Tình Thu mềm mại uốn mình bên những cánh lá, cho ta cảm giác mùa thu như ùa cả vào trong khán phòng. Nàng thơ bước lên nhặt lá vàng, lấy nắng làm mầu, lấy lá cây làm giấy viết cho người yêu một một bức thư tình:
Em tất bật trộn mầu từ những ngày nắng nóng
Em phơi lá sau nhiều cơn mưa rát mặt
Em muốn gửi về người thương hơi ấm tự tim mình
Em tìm bút lông, chấm mầu lên đám lá
vàng chanh, đỏ thẫm xen nhau trước rực rỡ bình minh...
Sắc đỏ vườn thu- Yến Lương.
Mùa thu choán hết cả không gian trong tâm tưởng thi sỹ, từ trời vàng, gió vàng, mây vàng, đến cả tình trong cơn mưa cũng biến sắc đổi mầu rực lên say đắm:
Trời vàng thu, vàng thu lá bay
Gió vàng thu đuổi lá cuối ngày
Mây vàng thu ngất ngây ánh nắng
Tình vàng thu mưa cũng đắm say
Đấy là bốn câu thơ, bốn sắc thái thu gợi cảm, gợi hình của nữ sỹ Hải Bến trong bài Tình thu vàng.
Văn vô sơn thủy phi kỳ khí. Văn chương không có cảnh núi sông thì không có hồn. Tôi bỗng muốn mang cả núi đồi và dòng sông quê tôi về đây. Dòng sông dậy sóng mỗi mùa mưa, nhưng cũng vô cùng hiền hòa, bình lặng mỗi độ thu đến xuân về. Mùa trăng, sông như một dải lụa bạch, khi thì sáng lấp lánh, lúc thì bàng bạc sương đêm hư ảo một vùng, và tiếng trăng quẫy nước trong mỗi bước đi của chiếc thuyền câu nghe trong veo, ngọt lịm cả đôi bờ. Đã tự thủa nào những cặp tình nhân, những nam thanh nữ tú quê tôi đêm đêm bên sông mượn gió, mượn trăng, mượn tiếng thì thầm của sóng nước mà trao nhau lời tình tự:
Xin em hãy lặng yên
Đừng đứng lên em nhé
Đừng làm nước trong bọt tung trắng xóa
Phút mơ màng say đắm của tình anh
Xin em hãy lặng yên
Để nước mơn man vồng ngực
Để ánh ngọc ngà đừng tan ra sóng nước
Phút chị hằng ngơ ngẩn trước thần tiên.
Và em, em có nghe thấy không một giọng ca rất ngọt rất đằm, một dáng đi khoan thai, bước chân rất nhẹ như sợ làm giật mình dòng sông đêm tĩnh lặng quê mình. Thân chính thì tâm chính (thân không động thì tâm không động), chính từ phong cách nhẹ nhàng khoan thái ấy, ca sỹ mới có thể lắng lòng mà thả hồn mình vào những lời thơ da diết, nhớ về, mơ về một tình yêu bên dòng sông trăng thơ mộng thủa nào.
Chất giọng là duyên trời cho, còn thả hồn mình vào trong câu hát mới là điều quyết định đi vào lòng người. Tôi tin Hiền Phan làm được điều này. Dù chỉ được nghe em hát vài lần, đặc biệt bài Mơ về một dòng sông ( thơ Phúc Nguyễn, phổ nhạc Lại Hồng Phong), đòi hỏi một tâm hồn tĩnh lặng, thư thái mới có thể đi vào một cuộc viễn du tình.
Tôi tin Hiền Phan hát thành công bài này còn bởi em là thi sỹ, một tâm hồn thơ nhậy cảm và dễ rung động. Một thoáng ngỡ ngàng, một phút giây hạnh phúc với em cũng đủ vỡ òa biết bao kỷ niệm yêu thương, nhung nhớ tình yêu thủa ban đầu:
Như buổi hoàng hôn lạc mất nhau
Hai phương nỗi nhớ cách hai đâu
Nay bỗng trời se duyên gặp lại
Ngỡ ngàng giây phút mắt trong nhau
Mộng ước - Hiền Phan
Nói đến thi sỹ đương nhiên là nói về người làm thơ. Mà thơ là mộng, mộng về một cõi thiên thai nơi chỉ có tình yêu và sắc đẹp. Hay nói theo Hàn Mạc Tử: Ngoài hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người, Chúa Trời còn cho ra một một loài thứ ba nữa: loài thi sỹ. Loài này sinh ra mang một sứ mệnh rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch.
Cho nên, thi sỹ muôn đời vẫn thế, luôn luôn muốn thoát bụi trần mà bay lên thượng tầng vi diệu của đấng tạo hóa ban tặng, như trăng, hoa, nhạc, hương để không tiếc lời ngợi ca, hay khóc than thương tiếc về sự lụi tàn đổi thay của vạn vật. Vì vậy, không thể và cũng chả nên chê trách thi sỹ cứ mải miết mãi với mùa xuân, và khóc than mùa thu lá rụng, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây“, mà quên trần gian đang gió bụi mịt mù. Nếu thi sỹ đã tỉnh táo mài bút làm gươm, để giết, giết thêm nhiều nữa, thì thi sỹ đã rớt sang địa hạt trọng vọng là loài người.
Thi sỹ đích thực cũng đôi lúc giáng trần khóc thương trần gian nghèo khổ, hay phẫn uất một nghịch cảnh bất công mà thét lên đau đớn, thì ở đây chí khí cũng chỉ là bèo bọt so với bản tính vốn dễ xúc động, căng phồng bung vỡ ra mà thôi. Phát biểu đôi lời trong chiều thơ Tình Thu, ông hội trưởng người Việt tại Chemnitz có kể một mẩu chuyện liên quan đến thơ: Trong một Gala vì Miền Trung sau trận lũ lụt, một ông chủ người Đức đến dự và ủng hộ 7000 Euro, nhưng sau khi nghe Ina Thùy Dương đọc bài thơ tiếng Đức cháu dịch từ thơ Việt của các cô các chú, thì ông chủ người Đức khóc vì xúc động và hiểu thêm nhiều điều, về nhà ông gọi điện đến, chia sẻ cảm xúc và quyết định tặng thêm 1000 Euro.
Tình yêu vốn là cái lớn nhất trong cuộc đời, yêu cái đẹp chính là bản thiện lớn lao mà thi sỹ luôn luôn khát khao tìm kiếm. Trăng, hoa, nhạc, hương, chính là nguồn sữa tạo hóa ban cho thi sỹ uống mãi, uống hoài không chán. Thi sỹ phải sống với thiên nhiên, đi cùng với thiên nhiên nhiều lắm mới có thể nghe trong gió mầu lá bớt xanh, nắng nhạt bên thềm, để lòng thoáng u hoài mất mát chia ly, những hư hao đang đến với cuộc đời:
Hình như mầu lá bớt xanh
Thoảng trong hơi gió hương đồng phôi phai
Nắng như nhạt sắc hiên ngoài
Đã nghe thoáng chút u hoài xa xăm
Hình như- Lê Nam Sơn
Mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thi sỹ. Rực rỡ đấy mà tàn phai cũng đấy. Thật chẳng có mùa nào gợi nỗi u hoài thương tiếc như mùa thu. Sao lại có nỗi buồn đẹp đến nao lòng như thế, khi tôi gặp mấy câu thơ của Lữ Du. Cảnh sắc hòa quyện với nhau, nối tiếp trùng trùng cùng chuyển động trên một nền nhạc vừa dồn dập vừa mênh mang đẹp đến lạnh người. Tôi cứ mường tượng, cứ ước ao được một lần đứng trong cảnh chiều buồn này của thi sỹ.
Rồi những buổi chiều mây vương mầu tím
Cho mắt anh buồn, trời đã vào thu
Sương thu mênh mang, lá vàng rơi rụng
Gió heo may, mưa sắc trắng, sa mù
Trích, Điệp khúc bốn mùa- Lữ Du
Không thể không nhắc đến người yêu thơ đến với chiều thơ Tình Thu đã làm sống lại những thi phẩm, thi ca lừng danh một thời, lâu nay bị quên lãng. Các anh các chị đến từ Hannover đã trình diễn một liên khúc thơ, ca, nhạc thật tuyệt vời:
Giữa sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Bài Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa, thế hệ chúng tôi ngày xưa ai cũng thuộc, nay nghe anh Đặng Lâm ngâm thơ, lòng tôi cứ nao nao một nỗi nhớ quê. Hà Đông tỉnh lỵ quê tôi đã khắc quá sâu vào tâm trí tôi rồi.
Và tôi cũng thật ngỡ ngàng khi biết người lên hát bài Mùa chim én bay, cách nay bốn mươi năm hát trong nhóm Sơn ca của Đài tiếng nói Việt nam. Hải Vân ngày ấy nổi tiếng với những bài hát như Mama, Từ Ra dơ líp đến Pác bó, nay vẫn được nhiều người nghe trên YouTube.
Ngoài những gương mặt thân quen, những cây đa cây đề của làng thơ năm nào cũng có mặt như Bùi Nguyệt, Thu Hà, Chu Văn Keng, Sa Huỳnh, Tuyền Nguyên, Hoàng Long, Hằng Nguyễn, Nguyễn Thanh Nguyên, Hảo Lich, Nga Nguyễn... năm nào hội thơ cũng có thêm những gương mặt mới tới tham dự. Chiều thơ Tình Thu năm nay có thêm Cẩm Chi, Trần Minh, Mai Tuyến và tay đàn ghi ta Việt Hùng với ca khúc Đời phù du, anh sáng tác và phổ nhạc, chị Thúy Loan vợ anh thể hiện. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong cộng đồng đã và đang xuất hiện những nhân tài mới trên lĩnh vực sáng tác âm nhac. Một trong trong số đó đang nổi lên cái tên Sâm Nguyễn Văn, anh vừa làm thơ, vừa phổ nhạc những bài thơ hay của các thi sỹ trong cộng đồng.
Chiều thơ Tình Thu đã đi qua vẫn còn để lại dư âm ấm nóng cho đến hôm nay. Tôi có viết bao nhiêu cũng không đủ giãi bày tình yêu của mình với anh chị em bè bạn, những thi sỹ, ca sỹ, bạn yêu thơ ca trên khắp mọi miền. Chúc cho tất cả chúng ta một sức khỏe dồi dào, một tình yêu mãi mãi không bao giờ tắt với thơ ca.
Chemnitz 20.10.2017
Phúc Nguyễn
Xin mời xem thêm chùm ảnh:
>> Chiều thơ Tình Thu tại Chemnitz, CHLB Đức. Ảnh: Thùy Linh - Cẩm Chi - Văn Dũng - Đoàn Bùi
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...