Triển lãm sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ người Đức mang tên “Những âm thanh luân chuyển” tại Hà Nội

Thứ ba - 17/10/2017 07:37
Triển lãm sắp đặt âm thanh mang tên “Những âm thanh luân chuyển” được khai mạc tối ngày 12/10 tại Viện Goethe Hà Nội là một bữa tiệc thú vị dành cho thị giác và thính giác. Kết hợp âm thanh và ánh sáng dưới góc nhìn của những nguyên tắc vật lý, các sóng âm, dải quang phổ, tần số âm thanh, nghệ sĩ người Đức Tim Otto Roth, tác giả triển lãm, cho biết công chúng tới thưởng thức sẽ nghe thấy ánh sáng và nhìn được âm thanh.
Tác phẩm sắp đặt âm thanh “Aura Calculata”. Ảnh: Tim Otto Roth
Tác phẩm sắp đặt âm thanh “Aura Calculata”. Ảnh: Tim Otto Roth
 

Triển lãm “Những âm thanh luân chuyển” gồm hai tác phẩm sắp đặt có sự kết hợp đặc biệt giữa khoa học vật lý và nghệ thuật thị giác, trình diễn và âm nhạc lần đầu tiên được giới thiệu trên thế giới và Việt Nam vào tối hôm 12/10.

 

 

Hai mô hình sắp đặt được gắn trên trần phòng triển lãm sẽ cho khách tham quan thấy chuyển động vòng tròn theo những dạng thức khác nhau và cách chúng tự vận hành theo từng dải sóng âm với các tần số âm thanh khác nhau.

Triển lãm này đặc biệt ở chỗ không nghiêng về nghệ thuật thuần túy, diễn tả vẻ đẹp của đời sống, con người, hoặc ngầm truyền tải một thông điệp nào mà có sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Khoa học vốn bị gắn cho những cái mác: khô cứng, học thuật khó hiểu, vĩ mô, nay đã được tác giả kéo lại gần hơn với đời sống, được kết hợp cùng các yếu tố nghệ thuật: thị giác, trình diễn... để đem lại một góc nhìn mới, ấn tượng hơn về khoa học.

Tác giả Tim Otto Roth. Ảnh: Heavenscarousel

Tiến sĩ Nghệ thuật và Lịch sử Khoa học Tim Otto Roth, tác giả thực hiện triển lãm nổi tiếng là nghệ sĩ ý niệm hàng đầu tại Đức trong lĩnh vực ứng dụng kiến thức vật lý cơ học vào nghệ thuật sắp đặt. 

Giao lưu với báo giới trong ngày khai mạc triển lãm, tác giả Tim Otto Roth chia sẻ: “Nghệ thuật và khoa học có mối tương quan với nhau, tuy nhiên cũng có sự khác biệt. Thực ra vật lý không phải môn khoa học khô khan dành cho các nhà nghiên cứu. Trong đời sống hàng ngày, có lúc loài người tự vận động theo các nguyên tắc vật lý mà không để ý, không biết. Ví dụ, con người là loài vật duy nhất có thể diễn giải những điều được thể hiện qua ác bức tranh, hiểu hình tượng không gian và biết thưởng thức âm thanh”.

Nói về những tác phẩm của mình, anh cho biết đã sử dụng kỹ thuật sáng tác phức tạp để phối màu sắc, cho chuyển động cùng âm thanh. Mỗi khi vòng quay thay đổi tốc độ quay, đèn huỳnh quang đổi màu cũng là lúc âm thanh có sự thay đổi trầm bổng, to nhỏ khác nhau.

Anh nhấn mạnh: “Màu sắc thay đổi ảnh hưởng tới sự tiếp nhận, diễn giải của con người từ đó tác động tới cảm xúc, tình cảm của họ. Bù cho việc mắt người nhận biết các sắc độ màu còn hạn chế, thì sự xoắn lại của âm thanh những khi quang phổ màu sắc thay đổi tạo được ấn tượng rõ nét hơn với công chúng. Đó là lý do nói rằng ta có thể nghe được ánh sáng”.

Tác giả giải thích cơ chế vận hành của mô hình “Aura Calculata”


Ở tác phẩm sắp đặt “Aura Calculata”, âm thanh được khuếch tán từ 23 loa ống phát sáng, gắn trên khung tròn. Âm lượng sóng âm của mô hình Aura Calculata bị chi phối bởi một nguyên tắc tự vận hành đơn giản mà không cần người chỉ huy.

Tác giả so sánh nguyên tắc này như việc những người ở trên sân vận động thường quan sát xung quanh và có xu hướng hành động giống người bên cạnh, gọi là làn sóng La Ola. Nghĩa là khi một người đứng dậy, người bên cạnh cũng làm giống thế. Nói một cách khác là họ đã được lập trình bởi người bên cạnh. Và theo một cách nào đó, nó được mô tả như một hiệu ứng tương tác xã hội theo kiểu toán học.

Tần số và bước sóng âm hiển thị trên màn hình thể hiện sự “nhảy nhót” của âm thanh và ánh sáng trong mô hình“Aura Calculata”

Chỉ cần những loa bên cạnh vận hành khác đi, sự tương tác sẽ tạo ra những phiên bản âm thanh mang cấu trúc khác nhau. Sau nhiều năm ròng rã nghiên cứu quy trình hoạt động của hệ thống tối giản này, Tim Otto Roth đã phát hiện ra rằng: Một vài loa ống ít nhiều có xu hướng phản ứng bén nhạy hơn. Âm lượng lên xuống và màu sắc của các loa ống mô tả khá rõ xu hướng nói trên, đồng thời chính các nhân tố ấy giúp hình thành nên một bản hợp âm biến thiên không ngừng.

Tim Otto Roth giới thiệu về các điểm âm mô phỏng hoạt động của “Aura Calculata”

Tim Otto Roth cũng soạn riêng cho “Aura Calculata” một bản phối âm làm nền cho video đồ họa, diễn giải quá trình hình thành mô hình. Quá trình bao gồm hàng trăm bước chuẩn bị này cũng sẽ được in trên một dải giấy dán dài 13m, đính xuyên suốt mảng tường dài nhất phòng triển lãm. Mỗi điểm âm (ứng với 1 pixel) mô phỏng cho hoạt động của 23 loa ống. Hai bản phác thảo sóng âm- vốn là nguồn cảm hứng cho những bản nhạc của Roth, đồng thời miêu tả toàn bộ động năng và tính phức tạp của các hệ thống mang cơ chế tự vận hành - cũng sẽ được trưng bày trong khung kính.

Loa ống -Tác phẩm sắp đặt âm thanh “Aura Calculata” của Tim Otto Roth

Còn tác phẩm sắp đặt âm thanh “Deep Doppler” mô tả chuyển động vòng tròn theo cách thức cơ học hơn. Cấu trúc tù và cho phép hệ thống loa tạo ra những luồng sóng âm hoàn chỉnh, mang tần số thay đổi mỗi khi nguồn phát sóng chuyển động tương đối với người quan sát. Hiện tượng vật lý này được biết đến dưới cái tên “Hiệu ứng Doppler”. Nhờ vào chuyển động của vòng quay và việc bật tắt các sóng âm (nhận biết dựa vào hệ thống đèn màu) một bản hòa tấu âm thanh sống động sẽ được khuếch đại khắp khán phòng, mang tới sự trải nghiệm âm thanh, ánh sáng đặc biệt dành cho công chúng.

Tác phẩm sắp đặt âm thanh “Deep Doppler” ©Tim Otto Roth

 

Có tên đầy đủ là “Những âm thanh luân chuyển - Cuộc gặp gỡ giữa hiệu ứng Doppler hạ âm và tương tác xã hội toán học”, triển lãm này là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Goethe tại Việt Nam.

Triển lãm mở cửa từ 9-19 giờ các ngày trong tuần, từ ngày 13/10 - 03/11. Miễn phí vé vào cửa.

Tiến sỹ Lịch sử Khoa học, nghệ sỹ ý niệm Tim Otto Roth sinh năm 1974 tại Oppenau, Schwarzwald. Ở các tác phẩm của anh, nghệ thuật và khoa học tự nhiên tương tác với nhau theo cách mới mẻ. Cùng với một số viện nghiên cứu hàng đầu như Hubble Space Teleskop, anh đã hợp tác thực hiện nhiều triển lãm mang tầm quốc tế. Trong tuần san chuyên ngành “Nature”, giáo sư lịch sử nghệ thuật Martin Kemp của đại học Oxford từng nhận xét về tác phẩm của anh là: “Một kiểu nghệ thuật mới đang định hình ra một dạng thức khoa học mới“.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Tim Otto Roth còn là một nhà nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật nói chung. Ấn bản luận án tiến sĩ của anh mang tên “Hình thể - Hình chiếu - Ản:. Một câu chuyện văn hóa về bóng hình” đã được phát hành từ năm 2015 bởi nhà xuất bản Wilhelm Fink.

 

Thu Thủy

Nguồn tin: songmoi.vn

 Từ khóa: quan hệ Việt Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Dân

    Đây chỉ là trò của đám dân Tây Phương thích tới nước này nước nọ để khoe khoang, quảng cáo về cái cá nhân mình thôi. Đừng tưởng đó là điều hay ho, hay xem đó là điều đáng hân hạnh, tự hào, ồ Việt Nam là một xứ ai cũng muốn tới để ....

      Dân   18/10/2017 02:51

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây