Nguyễn Quang Vinh (Dortmund, CHLB Đức): QUẢNG TRỊ 1972 (Phần cuối)

Thứ bảy - 27/07/2019 23:55
Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử." Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Trận đánh là một khúc tráng ca bi hùng của quân dân ta trong lịch sử giữ nước...
Nguyễn Quang Vinh (Dortmund, CHLB Đức): QUẢNG TRỊ 1972 (Phần cuối)

 

Chợt nghe từng tràng đại liên M60 của địch bắn xối xả phía bên phải trận địa. Chỗ đó thuộc khu vực của đại đội 1, E48, nơi có anh bạn Phạm Hùng Phong nhà ở phố Phan Bội Châu trấn giữ. Tôi ngó sang thấy 4 chiến xa của địch, 2M48 và 2 M113, đang yểm trợ một đại đội thuỷ quân lục chiến xông lên. Các chốt của ta bắt đầu bắn trả, tiếng súng AK và 12 li 7 nổ ròn giã xen lẫn tiếng ùng oàng của B40, B41. Mấy quả B40 và B41 đều trật mục tiêu, nên 2 chiếc M113 tiến được đến gần công sự của ta và dùng súng phun lửa bắn dữ dội. Lại thêm pháo 90 li từ 2 xe M48 bắn thẳng vào các điểm chốt, nên sức kháng cự của ta yếu dần. Đại đội tôi dùng 12li7 bắn chéo cánh xẻ sang hỗ trợ, nhưng cũng bị địch phát hiện ra, quay pháo từ 2 xe M48 bắn áp chế. Một lúc sau trận địa của đại đội 1 bị địch tràn nhập, chỉ còn thấy những bóng áo rằn ri thấp thoáng...

...Vừa mở mắt ra sau đợt pháo, tôi chợt thấy một toán lính thuỷ quân lục chiến ngay trước mặt. Khoảng 5-6 tên ngoi lên từ sau đống gạch, trên người mặc áo giáp xanh rêu, đầu đội mũ sắt bọc vải rằn ri, tay nắm chặt những quả lựu đạn mỏ vịt. Lợi dụng lúc pháo kích, bọn nó đã tiến lên, trong khi chúng tôi còn chúi đầu tránh đạn dưới các hố.. Chúng chưa nhìn thấy tôi, vì không thể ngờ trong đống đổ nát đầy bụi đất cách đó vài mét lại có một họng súng và đôi mắt đang nhìn chúng. Đến khi một tên nhận ra thì đã muộn. Lập tức theo bản năng tự vệ, tôi xả một tràng AK vào đám mũ sắt. Những tiếng rú rùng rợn vang lên, những tấm thân đổ phịch sau đống gạch. Không biết mấy người chết, mấy người bị thương, chỉ nghe bên đối phương những tiếng la hoảng: „Đ. Má, Việt cộng...lùi lại tụi bay...Việt cộng“.
Thế rồi lại pháo, lại bom, tưởng như bất tận. Giữa ban ngay mà địch tổ chức tấn công liên tiếp. Cứ mỗi lần bị đánh bật ra, thì chúng lại gọi phi pháo bắn phá. Các ổ hoả lực của ta dần dần bị lộ, địch dùng pháo tăng bắn thẳng vào những ỵi trí này.
Anh Dần bắn tỉa đã bị chết tự lúc nào. Một quả pháo nổ ngay cạnh hố chiến đấu của anh, thổi tung tất cả những tấm tôn nguỵ trang. Không hiểu anh hy sinh vì mảnh pháo hay sức ép, máu từ mũi và mồm cũng dính bụi nhoe nhoét, mắt anh vẫn mở trừng trừng...

...Trời đã ngả chiều. Thêm cậu Hưng „Lê Văn Hưu“ bị mảnh pháo chém xả vào bả vai. Vết thương rất khó băng bó, tôi lúng túng cuốn bao nhiêu băng mà vẫn bị tuột. Chúng tôi đưa cậu ấy vào hầm nằm cùng các thương binh khác. Lực lượng của đại đội tôi bị tổn thương quá nửa. Cao Dũng đưa cho tôi bao cơm sấy chiến lợi phẩm, rồi 2 đứa cùng nhai trệu trạo. Cả ngày nay chưa được hột cơm nào vào bụng...

...Chợt nghe một quả „cạch-oành“( cối cá nhân của địch) nổ ngay trên hố chiến đấu của Cao Dũng. Cảm thấy có chuyện chẳng lành, tôi vội bò sang chỗ anh. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mặt. Nửa đầu bên phải của Cao Dũng đã bay mất, máu và óc lầy nhầy tung toé trên miệng hố. Tay và chân vẫn cong giật giật trong cơn giãy chết. Tôi ôm chầm lấy anh, miệng la lên thảng thốt: „Cao Dũng ơi!“, nhưng anh đã ra người thiên cổ mất rồi. Vĩnh và tôi lấy tấm võng phủ lên xác anh, rồi vội vàng bò về hố chiến đấu của mình.òNgoif trong hố mà nước mắt tôi chảy dàn giụa. Cao Dũng vẫn thường nói với tôi: „Nếu trận đầu cậu không chết, thì sẽ không bao giờ chết...“. Anh đã trải qua hàng chục trận, trên người không hề có một vết xước. Vậy mà bây giờ một thằng lính mới khù khờ như tôi vẫn ngồi đây, còn anh lại chết rồi...Thương thay cho một người con anh dũng của phố Lò Đúc, một Héc-to của thành cổ...Anh đâu có biết, giờ này chỉ còn một người duy nhất, một cậu lính trẻ 18 tuổi, mặt mũi lấm lem quần áo bê bết, đang gục đầu bên khẩu súng khóc thương cho anh...

… Một tin buồn Chí Thành báo cho tôi là Lâm „chợ giời“ C10 đã hy sinh...Lâm bị thương vào bụng; cùng đêm tập kích đó, Hà Minh Hoà bị thương vào chân. Hai cậu được đưa vào một cái hầm chờ trời sáng. Lâm luôn mồm rên rỉ và nói với Hoà: „Hoà ơi tao chắc chết...tao thương mẹ tao quá“. Hoà nói : „Yên tâm, mày không chết được đâu, đến sáng tải thương sẽ đưa mày về phẫu...“. Nhưng đến sáng thì Lâm đã chết cứng. Người ta khiêng Lâm đi như khiêng một khúc gỗ vậy. Đến tận hôm nay người nhà vẫn chưa tìm được mộ Lâm. Mẹ Hồng của Lâm cho đến ngay fqua đời đêm nào cũng khóc vì chưa được một lần ôm hài cốt của con...

...Cả anh Nhĩa, B phó huấn luyện của tôi cũng đã hy sinh. Thật đáng tiếc cho một cán bộ trẻ đầy triển vọng. Anh bị thương vào đầu, ra đến phẫu thì bị bom B52 mất xác. C10 vừa rồi tập kích Tám Cát tổn thất quá lớn...

...Thương binh hoá ra là cậu Mốc người Quảng Trị, thường dẫn đường cho chúng tôi trong các trận tập kích. Cậu ta giẫm phải mìn nát bàn chân trái, máu thấm đẫm mấy cuộn băng. Tôi và Quang loạng choạng khiêng thương binh lội trên đồng nước, hướng về làng Chín...Vừa mệt, vừa đói, vừa lo lắng, đòn thì nặng, thương binh rên la suốt, làm Quang nổi quạu, cậu ta quát lên: „Ông im mẹ nó cái mồm ông đi, không thì tôi quảng ông xuống ruộng bây giờ!“. Cậu Mốc nghe thấy thế chỉ còn dám rên khe khẽ...

...Đến 11 giờ trưa thì anh Phùng chính trị viên đại đội bị chết. Lúc đó anh đang ở tuyến hào B1 và gọi Ngô Duy Minh ra cùng quan sát địch. Anh hỏi Duy Minh: „Có chiếc xe tăng ở làng 6 phủ lá chuối khô nguỵ trang. Cậu xem từ đây đến đấy liệu B41 bắn được không“. Duy Minh vừa trả lời: „Em sợ xa quá anh ạ“ thì một quả pháo lao tới nổ đúng chỗ anh đứng. Anh Phùng bị tan xác, Duy Minh bị mảnh pháo vào đầu, máu chảy ròng ròng xuống cổ. Cậu ta la hét thảm thiết, nhưng bọn B1 nhát quá, rúc hết xuống hầm, không thằng nào ra cứu Minh cả. Tôi nằm ở tuyến B2 phía sau, cách đó khoảng 50 mét, nghe tiếng bạn kêu xót ruột quá, bèn quyết định bò lên cứu. Sau khi băng bó cho Duy Minh, tôi cầm hộ bạn cái bòng(túi đeo giống ba lô) bò trước, Minh bám theo vết chân bò phía sau. Bò qua chỗ anh Phùng hy sinh, chỉ thấy hố pháo, máu đọng thành vũng, còn một ít mảnh xương thịt vụn lổn nhổn trong đó...

...Đến giờ nhất định, Chí Thành mở máy liên lạc với tiểu đoàn. Nhiều khi đang dò sóng và nói „Vạn Tường gọi Ấp Bắc...Vạn Tường gọi Ấp Bắc“ thì có một tên địch nói chen vào. Có những tên ăn nói rất lịch sự, nhẹ nhàng, hỏi thăm quê quán, gia đình, nói những chuyện bâng quơ. Có tên lại chửi bới cục súc, hằn học gào ông ổng: „Đ. má Việt cộng, tụi bay là tay sai của Tàu cộng vô xâm lược miền Nam...“. Thế là chửi nhau như hát hay...

...Thỉnh thoảng tôi lại ngóc đầu nhìn sang phía địch. Không thấy động tĩnh gì, lại bò tiếp. Chợt thấy một đống đen đen lù lù ngay trước mặt. Người à? Không phải. Tôi trườn đến gần hơn và căng mắt nhìn. Thì ra là đống lòng ruột, dạ dày, thậm chí còn thấy cả những đường gân máu trên cái dạ dày. Khi tôi ngóc cổ cao hơn còn thấy hai cái chân hất về phía trước. Tôi hiểu ngay đây là một cái xác mất nửa phần trên, chỉ còn từ phần bụng trở xuống. Đang vội vã bò lùi, thì khuỷu tay phải chợt chạm vào một vật gì cưng cứng. Nhìn sang, chỉ thấy hai bàn chân đi tất thò ra từ dưới một cái võng đắp. Tất này thì chỉ có quân ta thôi: Dài đến đầu gối, mầu rêu, chỗ lòng bàn chân mầu vàng. Chắc chắn đây là xác anh Cơ như bọn C9 đã nói, cũng phải 3-4 ngày rồi, mà sao không thấy thối!

...Tình hình của C9 đang chốt trên tuyến 1 còn gay go hơn nữa. Địch tấn công từ hai phía, các chiến sỹ C9 đã bắn đến viên đạn cuối cùng, diệt được hai xe tăng, rồi bị địch tràn ngập. C9 vỡ trận, hàng chục chiến sĩ hy sinh. Nhiều người chạy được về phía sau, nhưng một số bị địch bắt sống...

Chỗ C12 cũng bi đát không kém. Dợt tấn công đầu của địch bị hoả lực ta đẩy lui. Một xe tăng M41 trúng đạn tuột xích. Chúng lùi ra, bắn phá dữ dội , rồi lại xông lên tiếp. Đạn dược quân ta cạn dần. Xe tăng địch tràn được vào trận địa của trung đội 12 ly7, đè bẹp cả hai khẩu đội này. Chúng dùng xích xe trà đi tà lại trên nóc hầm, nhằm chôn sống những chiến sỹ còn nằm dưới đó. Trung đội trưởng Triều, y tá Tiến cùng 5 chiến sỹ C12 bị địch bắt sống. Trong số đó có cả Nguyễn Xuân Bình, bạn học lớp 10c cùng trường Hai Bà Trưng với tôi...

...Trong hầm kia thì Chí Thành đang gọi vào máy 2W tìm cách liên lạc với tiểu đoàn. Chợt nghe hàng tràng „cực nhanh“ M16 nổ ngoài hào. Chí Thành vừa ngó ra thì đã thấy mấy bóng áo rằn ri ngoài cửa hầm. Một loạt đạn M16 vang lên, Chí Thành gục xuống bên máy 2W...

Từ cửa hầm đối diện, Lâm Thành xả một tràng AK hạ gục tên địch vừa bắn Chí Thành. Nhưng lúc này bốn bề đều thọ địch. Hai chiến sỹ trẻ của C11 là Lâm Thành và Tường „Hải Phòng“, đã dựa lưng vào nhau, chĩa súng AK ra hai phía bắn như điên. Mặc cho máu đang ròng chảy trên mặt một người và máu thấm đẫm vạt xườn người kia, hai anh vẫn bắn không ngừng, bắn mãi...

...Cách đó khoảng 100 m,tiểu đội trưởng Quế „Khương Trung mang khẩu DKZ82 ra định lắp vào giá súng, nhưng không kịp. Thấy xe tăng địch đang rầm rầm xông đến, Quế hô chiến sỹ Quỳnh „Thái Bình“ đem đạn ra ngay, nạp vào súng. Rồi không cần giá súng, Quế vác nòng khẩu DKZ82 lên vai, nhằm thẳng chiếc M48 đang chạy xế trước mặt bóp cò. Một quầng lửa da cam cùng tiếng nổ chói óc vang lên, chiếc xe tăng bốc cháy ngùn ngụt, không một tên địch nào sống sót...

...Tôi vừa nằm xuống thì hàng chục quả M79 đã bay đến tới tấp. Sau mỗi tiếng“cạch oành“ là hàng trăm viên bi bay đi rào rào. Rồi M72, cối (!, pháo 105...nổ liên tục. Đạn rít chiu chíu, mảnh bay vèo vèo, rơi lịch xịch khắp nơi. Tất cả chúng tôi nằm ép người xuống con hào nông choèn, chịu trận. Địa ngục chắc cũng chỉ đến thế này mà thôi. Chợt như có ai cầm cái búa đinh giảng thẳng vào phía sau đỉnh đầu tôi. Mắt tôi nổ hoa cà hoa cải, một dòng máu nóng chảy từ đầu xuống cổ. Một mảnh pháo nhỏ đã xuyên qua chiếc mũ cối, cắm phập vào vùng chẩm sau đầu, làm lún một mẩu xương sọ. Tôi chỉ kịp „hức“ lên một tiếng, rồi chìm ngay vào đêm tối mênh mông...

...Các bạn thân mến, cuộc chiến đấu của tôi trên chiến trường Quảng Trị đến đây là hết. Dứt cơn bão lửa, thấy tôi còn thở, anh Tài B phó đã cõng tôi chạy về tuyến sau...ngay đêm hôm đó, tôi được chở bằng xuồng máy, chắc là xuôi sông Thạch Hãn, qua kênh đào nối với sông Bến Hải, ra phẫu 48 Vĩnh Linh. Khi tôi tỉnh dậy, thì đã thấy mình nằm ở Vĩnh Long- Vĩnh Linh ngoài miền Bắc rồi.

Nguyễn Quang Vinh

(Sau khi điều trị lành vết thương, Nguyễn Quang Vinh sang Liên Xô học và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ ngành Hoá Sinh.)
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây