Nguyễn Công Tiến (Halle, CHLB Đức): LỜI THỀ NGƯỜI LÍNH

Thứ năm - 14/01/2021 08:17
Bài viết của tác giả Nguyễn Công Tiến, một cựu chiến binh viết trong những ngày giãn cách xã hội trong năm 2020, hướng tới ngày đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra tại hà Nội cưới tháng 1 năm 2021). Theo ông "bài khó đoc, nhưng ai chưa đọc thì nên đọc. Chỉ cần những ngươi cộng sản ngẫm về nó".
Nguyễn Công Tiến (Halle, CHLB Đức): LỜI THỀ NGƯỜI LÍNH
LỜI THỀ NGƯỜI LÍNH

Chiến tranh chống Mỹ.
 
Hàng triệu con em của giai cấp cần lao như chúng tôi, lại tiếp tục lên đường tòng quân cứu nước.
 
Những tháng năm không thể nào quên ấy, thanh niên Việt Nam nhập ngũ không chỉ đơn giản là theo luật nghĩa vụ quân sự của nhà nước, mà còn vì lòng yêu quê hương, Tổ quốc thiết tha. Ra đi, nhiều người đã xác định sẽ không trở về – mãi mãi “da ngựa bọc thây chí trai” - nhưng họ hi vọng là, sẽ để lại được cho thế hệ sau một đất nước vẹn nguyên, thanh bình và giàu mạnh. Yếu tố chính trị tư tưởng, yếu tố tình cảm và niềm tin là liều thuốc vô cùng thần diệu, giúp cho những người lính chúng tôi “chân cứng đá mềm” trên muôn nẻo đường đạn bom, máu lửa.
 
Hai bài học chính trị đầu tiên khi chúng tôi ra nhập quân đội là “10 lời thề danh dự” và “12 điều kỉ luật”. Vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, tất cả các đơn vị trong quân đội đều tổ chức chào cờ Tổ quốc. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...Tiến mau ra xa trường, tiến lên cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền.” Bài Quốc ca vừa dứt, một chiến sỹ đứng giữa hàng quân tiến lên ba bước dưới cờ, dõng dạc đọc 10 lời thề: “Chúng tôi - quân nhân trong quân đội nhân dân việt Nam - lấy danh dự người chiến sỹ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ Quốc: Một. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Phấn đấu cho một nước Việt Nam hoà bình - thống nhất - độc lập – dân chủ và Chủ nghĩa xã hội...”. Xin thề!
 
Mười lời thề danh dự, từng câu từng chữ và ý nghĩa của nó đã làm những người lính chúng tôi thực sự xúc động, thấy mình mạnh mẽ lên, trách nhiệm hơn đối với nhiệm vụ được giao và thắp sáng lòng trung thành phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
 
Lời thề thứ nhất lấy mục đích cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh cách mạng là: Xây dựng CHỦ NGHĨA HÃ HỘI. Những người lính đã hi vọng, tin tưởng như vậy và họ nguyện đem xương máu của mình ra để thực hiện lí tưởng ấy. Những người theo Chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã khẳng định rằng: Chủ nghĩa xã hội là một xã hội hoàn toàn mới, nó ưu việt hơn, tươi đẹp hơn và khác hoàn toàn về bản chất so với Chủ nghĩa tư bản. Quyền lợi cốt lõi về vật chất của công dân trong xã hội này, được kết tinh trong lĩnh vực kinh tế và được nhà nước chuyên chính vô sản thể chế hoá trong quan hệ sở hữu. Đó là chế độ “CÔNG HỮU VỀ TƯ LIỆU SẢN XUẤT”. Trong xã hội mới này, tất cả các tài sản hữu hình cũng như vô hình của đất nước, đều thuộc quyền sở hữu toàn dân. Nghĩa là nhân dân sẽ là chủ nhân của toàn bộ đất nước và có toàn quyền quyết định cho vận mệnh chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội... của mình và cho cả tương lai con cháu mình. Nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản thực thi trách nhiệm “tước đoạt lại kẻ đã đi tước đoạt” và xây dựng một xã hội ưu việt hơn cho nhân dân; các quan chức nhà nước là lãnh đạo, nhưng cũng đồng thời là “công bộc” làm thuê ăn lương, thay mặt nhân dân đứng ra tổ chức, quản lý, khai thác sử dụng và phân phối khối “tư liệu sản xuất” này cho nhân dân.
 
Ở xa đất nước đã lâu, tôi cũng không rõ lắm những đổi thay trong chính sách “sở hữu toàn dân” của nhà nước như thế nào. Lên mạng đọc các bài báo cả lề trái lẫn lề phải, tôi thấy riêng vấn đề “nước” thì tuy rằng có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng gần như đều có tiếng nói chung là chống chủ nghĩa bá quyền nước lớn của Trung Quốc, âm mưu biến nước ta thành một nước chư hầu của họ. Nhưng vấn đề “đất” thì quá phức tạp, hầu như cả nước bị lôi kéo vào vấn nạn này: Từ trung ương đến địa phương; từ miền núi tới miền xuôi; tự nông thôn đến thành thị... Vấn nạn đã kéo theo mâu thuẫn xã hội gay gắt: Từ cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cá nhân với chính quyền, tập thể với chính quyền... Trong mấy chục năm trời, tính chất và mức độ do vấn nạn gây ra ngày càng trầm trọng: Từ tranh luận tới thoá mạ nhau, từ bạo lực gây thương tích đến kiện cáo ra toà và rồi cuối cùng dẫn đến đỉnh cao là án mạng, tử hình... Trong bối cảnh đó, nổi lên rất nhiều quan tham của Đảng, của chính phủ - Uỷ viên bộ chính trị, Phó Thủ tướng, thượng tướng, thứ bộ trưởng... - đã lừa đảo nhân dân, bịt mắt pháp luật, cấu kết với các doanh nhân giàu có, với các ngân hàng vụ lợi chia nhau đất đai, tiền của cướp được của đồng bào và hành vi này ngày càng tinh vi và trắng trợn.
 
Lòng dân không yên, sơn hà xã tắc bấn loạn!
 
Đảng cộng sản bị chia thành hai phe rõ rệt: Phe tham nhũng – làm quệt quệ đất nước và vùi dập niềm tin của nhân dân với Đảng; phe chống tham nhũng – gồm những đảng viên trung kiên, kiên trì đấu tranh, quyết dành lại cho nhân dân cái mà đã bị bọn người “không tử tế” tước đoạt.
 
Vì đã được giữ trọng quyền và cao quyền trong tổ chức đảng, tổ chức chính phủ, vì đã được “tự do” hoành hành cả mấy chục năm trời, nên phe tham nhũng đã tạo ra được hiệu ứng lũng đoạn trên khắp cả nước và trong mọi lĩnh vực của đời sống xà hội. Những hiện tượng đó, có phải thuộc về bản chất của Chủ nghĩa xã hội không? Có thuộc về đặc điểm của con người mới XHCN hay không? Có phải là tính “ưu việt” của một nhà nước kiểu mới “của dân, do dân và vì dân” hay không? Thật khó có thể đưa ra một câu trả lời sao cho đúng, cho hợp lòng dân mà hợp cả lòng Đảng! Nhưng có một câu trả lời duy nhất đúng là: Những người lính chúng tôi khi đứng dưới cờ, không thề và không bao giờ thề là sẽ phấn đấu, hi sinh cho một nhóm người như vậy, cho một xã hội như vậy!
 
Thời gian qua, nhờ vào cuộc tảo thanh vĩ đại của các đảng viên Cộng sản chân chính, mà một số đảng viên là lãnh đạo tham nhũng biến chất, đã phải ra toà, cúi mặt trước ánh sáng công lí. Nhưng giống như quỷ Phạm Nhan, chặt đầu này, chúng mọc đầu khác kinh quái hơn, liệu những người con dũng cảm, hiếu thành với nhân dân có đi được đến thắng lợi cuối cùng?
 
Tôi có một người bạn học là nhà báo già về hưu. Anh này là sỹ quan quân đội chuyển nghành. Tính cách điềm đạm chỉn chu, rất mực thước. Anh luôn giữ mình trong kỉ cương là một cán bộ, đảng viên gương mẫu. Trên mạng, trong một lần nhân nói về đất đai, tài nguyên khoáng sản của đất nước, tôi vấn anh:
 
- Thì họ cũng phải có ý thức giành lại cái gì đó cho thế hệ sau kế thừa chứ?
 
Anh trả lời luôn:
 
- Chúng nó ăn hết rồi, còn đâu nữa mà kế!
 
Tôi giật mình! Ô hay, chúng nó ăn hết rồi là sao? Luật pháp đâu, kỉ cương của Đảng đâu, nhân dân đâu mà để chúng nó ăn? Tại sao lại là chúng – đảng viên cộng sản à, quan chức à? Có đúng là chúng không, hay kẻ nào khác? Người Cộng sản đã thấm nhuần Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đã thấm nhuần cương lĩnh chính trị của Đảng mình thì không thể nào “ăn hết” của dân được. Họ từ trong lòng dân mà ra, được nhân dân nuôi nấng mà sống, mà trưởng thành đến ngày nay, hà cớ gì mà họ lại “ăn hết” của dân, của cả thế hệ sau!
 
Đứa nào ăn? Chỉ mặt gọi tên nó ra anh!
 
“Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian?”
Có đúng là chúng không?
 
Năm ấy về phép, tôi lên thăm người bạn bộ đội (anh nhập ngũ trước tôi mấy năm) đã về hưu trên Lương Sơn (Hoà Bình). Gọi tôi ra sân, anh dùng que củi vẽ địa hình khu vực lên mặt đất, rồi chỉ cho tôi xem chỗ nào người ta sẽ làm sân gôn 54 lỗ; chỗ nào là quả núi đá mà người ta đã mua để làm một nhà hàng “đặc sản” sâu trong hang; chỗ nào là biệt thự, khách sạn hay nhà nghỉ trá hình...
 
- Tinh của những “ông nọ bà kia” có tiền có của lên mua.
 
Cầm que củi, anh chỉ ngay sang bên kia bức tường bao rồi tiếp:
 
- Đây, ngay sau bức tường này là mấy héc ta đất của ông tổng giám đốc “vô tuyến truyền hình Việt Nam”. Sao bảo các ông, các bà ấy không dám “to mồm” với thằng Tàu, nó đánh một phát là mất sạch. Vậy các cụ nhà mình xưa mới có câu “nhà khó lo giữ đầu, nhà giầu lo giữ của”.
 
Tôi cười bảo:
 
- Họ giữ ở nhà làm gì anh. Bên Thuỵ sỹ, bên Mỹ, Pháp...người ta giữ cho hết rồi.
 
Anh vứt cái que xuống đất, đứng ngẩn ra một lúc rồi lẳng lặng đi vào nhà!
 
Ngày xưa, Hoàng Lộc đã khóc thương cho những người lính phải nằm xuống, vì sự nghiệp giành lại non sông đất nước khỏi ách trăm năm thực dân đô hộ. Ngày nay nhiều người như tôi vẫn phải khóc cho những mảnh đất thanh bình, hiền lành như củ sắn, củ khoai đang bị bị móng vuốt của bọn “trọc phú mới”, bọn “tư sản mới” chia nhau giằng xé.
 
Không đừng được, tôi lại hỏi một nhà văn hiện đang nổi tiếng trên văn đàn cả nước. Anh này hơn tôi mấy tuổi và xưa cũng là bộ đội. Anh là người rất kiên định bảo vệ danh dự Đảng.
 
- Theo anh thì đến khoảng thời gian nào, Quốc hội nước mình sẽ cho công bố chế độ “tư hữu về tư liệu sản xuất”?
 
Anh cũng trả lời luôn:
 
- Tư hữu từ lâu rồi còn gì! Cổ phần hoá hết rồi!
 
Tôi lại bị sốc! Thế là thế nào, tư hữu rồi ? Từ bao giờ vậy? Ai cho phép tư hữu? Chủ trương của Đảng hay Quốc hội? Từ bao giờ? - Việt Nam chuyển đổi chế độ chính trị rồi hay sao?
 
- Ơ hay! những người lính chúng tôi có thề như thế đâu! Chúng tôi thề là xây dựng Chủ nghĩa xã hội cơ mà? Vậy thì bao máu xương của các anh hùng, liệt sỹ, của nhân dân trở thành vô nghĩa cả hay sao? Thống nhất đất nước để làm gì? Để chúng ta tiến lên theo con đường Chủ nghĩa xã hội cơ mà! Sao lại quay trở về chế độ mà phải mất bao máu xương, chúng ta mới xoá bỏ được?
 
Im lặng không trả lời, chắc anh cũng buồn lắm!
 
Ơ hay! Các anh ơi, thế là thế nào? Sao lại “chúng nó ăn hết rồi”, sao lại “tư hữu từ lâu rồi” là thế nào? Là các anh tự vấn, là các anh chỉ cảm nhận riêng tư? Hay đã có kẻ “phản động” nào cố tình xuyên tạc để phá hoại? Hãy nhìn nhận lại đi, nước mình vẫn đang “định hướng xã hội chủ nghĩa” đây thôi!
Cũng như cơ thể con người, cơ thể xã hội cũng có hai phần: Phần hồn và phần xác. Đảng Cộng sản Việt Nam đang là đảng cầm quyền, nhà nước Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản – kiểu mới. Nếu chúng ta tạm thời trừu tượng hoá đi tính dân tộc (về truyền thống văn hoá, lịch sử...) thì linh hồn nước Việt Nam hiện nay là Chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Còn phần xác của nó nằm ở của cải vật chất xã hội mà toàn dân được thụ hưởng. Đó chính là việc thể chế hoá chế độ sở hữu tài sản quốc gia – đó là giá trị cốt lõi về vật chất mà nhân dân có quyền làm chủ – chính là chế độ “công hữu về tư liệu sản xuất”. Nếu cái hồn của nó chỉ nằm trong lí thuyết, mà cái cốt vật chất này chết đi rồi thì xã hội chúng ta có còn là “Xã hội chủ nghĩa” nữa hay không?
Trong hệ tư tưởng của người cộng sản, thì “xoá bỏ chế độ tư hữu” là vấn đề mấu chốt, là chìa khoá để mở ra một quan hệ sản xuất mới, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
 
Vậy, “Cổ phần hoá” là cái gì?
 
Sau những thất bại làm tan nát mảng doanh nghiệp nhà nước- những “quả đấm thép” - người ta đang hoan hỉ cổ suý cho quá trình cổ phần hoá trên cả nước. Người ta khoác cho nó một mĩ từ long lanh, lộng lẫy để cố gắng chạy theo cái gọi là “kinh tế thị trường”. Luật cho thuê, nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai; luật đầu tư; luật thoái vốn nhà nước; luật cổ phần hoá ... là gì? Nói trắng ra, nó chính là: Sự bắt đầu dọn đường cho một quá trình đi tới “tư hữu hoá về tư liệu sản xuất”.
 
Với phương châm “đi tắt đón đầu” những bữa tiệc thịnh soạn, nhưng người ta vẫn phải quay lại xếp hàng từ đầu; người ta muốn ngay lập tức sống đầy đủ vật chất như một xã hội Tư bản hiện đại, vậy là người ta đã hăm hở đào đất lên, chặt cây rừng xuống rồi giành giật sự sống trên lưng nhau thật nhanh và thật gấp; một thời người ta đã sống “mình vì mọi người”, nay thì vì ta, vì gia đình và nhóm lợi ích... Liệu rồi mai này, con cháu chúng ta sẽ sống ra sao, khi mà hôm nay, cha ông chúng mang hết tài sản trong nhà ra... hiệu cầm đồ?
 
“Tư hữu từ lâu rồi” nghĩa là sao các anh? Nghĩa là: Giai cấp tư sản sẽ quay lại nắm quyền thống trị và bóc lột giai cấp vô sản bằng “giá trị thặng dư”; nghĩa là tầng lớp địa chủ sẽ lại bóc lột nông dân bằng “địa tô”; nghĩa là xã hội sẽ lại có áp bức bất công, phân chia hai cực giàu nghèo; nghĩa là tới một lúc nào đó, 90% toàn bộ tài sản của đất nước sẽ nằm trong tay 10 gia đình giàu có nhất; nghĩa là quan hệ xã hội sẽ trở lại thời kì “trả tiền ngay không tình nghĩa”; nghĩa là người nông dân lại tiếp tục bị vô sản hoá; nghĩa là các chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội sẽ bị đảo ngược; nghĩa là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất sẽ lại bị đấy lên tột cùng và cuối cùng lại xuất hiện “Cách mạng xã hội”; nghĩa là… và nghĩa là chúng ta sẽ quẩn quanh trở lại đường xưa lối cũ?
 
Chủ nghĩa xã hội ở đâu? Người ta đã quên nó thật rồi sao!
 
Những người lính chúng tôi đã từng đứng dưới cờ xin thề: “Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào, cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai”. Để giữ trọn vẹn những lời thề danh dự ấy, đã có hàng triệu thanh niên Việt Nam phải nằm xuống dưới lòng đất mẹ mang hình hài chữ S bé nhỏ. Nhờ máu thịt của họ, mà ngày nay đất đai trở nên mầu mỡ, làng quê trở nên trù phú, đô thị sáng ánh đèn. Năm tháng sẽ trôi qua, vật sẽ đổi sao sẽ dời, các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ khác thế hệ trước rất nhiều. Chắc họ sẽ chẳng đi theo con đường mòn xưa cũ nữa, nhưng lời thề non nước được đặt trong trái tim của họ thì sẽ không bao giờ thay đổi: “ Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, phấn đấu cho một nước Việt Nam hoà bình - thống nhất - độc lập - dân chủ và giàu mạnh”. Đó chính là con đường chúng ta sẽ đi và mục tiêu chúng ta cần phải vươn tới – vì lợi ích của toàn DÂN TỘC.
 
Lịch sử xã hội loài người đã và đang trải qua bốn “Hình thái kinh tế xã hội”. Chúng ta đang được chứng kiến tận mắt, sự phát triển và lớn mạnh chưa có điểm dừng của hình thái kinh tế “Tư bản chủ nghĩa”. Thời đại ngày nay đang là thời đại “mùa xuân” của họ, chưa phải thời kì “quá độ” chuyển sang chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nếu như xã hội phong kiến tồn tại được 1000 năm trong lịch sử loài người, thì xã hội tư bản (đánh dấu từ cuộc cách mạng điển hình ở Anh năm 1648) dù không hơn, thì chí ít cũng sẽ tồn tại cả ngàn năm với nhân loại. Năm 1917, đảng Bôn sê vích của giai cấp vô sản Nga, đã có một nhận định hết sức sai lầm rằng: Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn “tột cùng”, là giai đoạn “giãy chết” của chủ nghĩa tư bản. Và, họ đã phát động một cuộc khởi nghĩa “non” - cách mạng tháng Mười. Cuộc khởi nghĩa đó, đã đem lại cho những người “nóng vội, duy ý chí” trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế một thắng lợi tạm thời - chỉ có giá trị về mặt chiến thuật. 70 năm sau, lịch sử đã phải đau lòng, chứng kiến một kết cục bi thảm cho kiểu nhà nước “chuyên chính vô sản” ngay trên đất nước của Lê Nin vĩ đại. Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết - đứa con đầu lòng của cách mạng vô sản trên toàn thế giới – sụp đổ! Nguyên nhân chính - mang tính học thuyết - làm cho hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa sụp đổ là gì? Là do lãnh đạo của họ đã có nhận định và ảo tưởng hết sức sai lầm về: HIỆN THỰC THỜI ĐẠI và họ nóng lòng muốn đảo lộn TRẬT TỰ THỜI ĐẠI.
 
Trước sự thật lịch sử không thể chối cãi đó, phe Xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới rung chuyển. Về chính trị, người ta bắt đầu xa rời chủ nghĩa quốc tế vô sản và quay về với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; về kinh tế, người ta vội vã rẽ theo mô hình “miễn là bắt được chuột” - thứ chủ nghĩa và mô hình này, Đảng cộng sản Trung Quốc đã theo đuổi ngay từ trước đó mấy chục năm trời. Người ta đã trở cờ với lí luận kinh điển: Kinh tế kế hoạch - kinh tế tập trung – kinh tế chỉ đạo – kinh tế bao cấp và định hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa bằng công thức: (Lao động tập trung + công cụ thô sơ + phương pháp lạc hậu). Và cuối cùng, người ta cũng đã kịp lái con thuyền cách mạng đang gặp bão lớn vào lối thoát hiểm – lối mà từ rất lâu, chính họ đã từng đả phá và đoạn tuyệt: “Kinh tế thị trường”.
 
Lí luận chẳng qua là một thứ khó nhận biết như sương, như khói. Nhưng “cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Dưới góc độ đó, người ta đã nhận ra sự vận động của thực tiễn xã hội Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc...lại liên tục trái với những dự báo theo lí thuyết của Chủ nghĩa Mác – chủ nghĩa xã hội. Phải nhận thức lại! Nhận thức của con người là một quá trình. Chúng ta đã nhận thức lại và đã nhận thức được tính hợp lí của hiện thực và bắt đầu tập đi theo quy luật của thời đại. Giữ lại danh xưng “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, chẳng qua đó là một cố gắng cuối cùng để: Biểu hiện lòng trung thành của Đảng với chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là biểu hiện lòng biết ơn và không phản bội, hàng triệu triệu anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã ngã xuống vì “độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”; là sự luyến tiếc những tinh thần và đạo đức tốt đẹp, mà trong mấy chục năm trời nhân dân đã tạo dựng được lên trong máu lửa.
 
Đó là sự biến tướng, biến hình của Chủ nghĩa xã hội, đó là giải pháp tình thế. Nhưng giải pháp tình thế này, ngẫu nhiên đã mang lại cho bức tranh kinh tế - chính trị thế giới một luồng sáng mới, mầu sắc mới và đa dạng hơn về bố cục. Người ta đang hy vọng vào nó! Tuy nhiên, hướng đi có phù hợp với thời đại hay không mới là yếu tố quyết định.
 
Nếu xét về nguyên nhân kinh tế, xét về bản chất nhà nước, xét về quyền sở hữu tư liệu sản xuất, xét về quyền bình đẳng giữa con người... thì thực chất, đây là “hai bước lùi” (câu của Lê Nin) để trở về đúng chỗ của mình. Đây là một hành động cam chịu, dỡ bỏ từng mảng, cắt xẻ từng bộ phận của cơ thể “xã hội chủ nghĩa” không còn phù hợp, ra khỏi đời sống xã hội. Đây là sự thừa nhận ngậm ngùi trong sĩ diện, về sức sống hiện thực và dài lâu của quy luật kinh tế tư bản. Cũng như phải thừa nhận rằng: Thời đại ngày nay đang là thời đại phát triển rực rỡ của Chủ nghĩa tư bản.
 
Nhưng đời là “Vô thường”! Không có gì trong vũ trụ bao la và trái đất nhỏ nhoi này là bất biến, là mãi mãi. Xã hội loài người cũng theo quy luật đó. Xã hội Tư bản sống và phát triển hùng mạnh có thể tới cả ngàn năm, nhưng đến một giai đoạn nào đó, nó nhất định cũng sẽ bị diệt vong.
 
Vậy sau xã hội “Tư bản chủ nghĩa”, sẽ là xã hội gì?
 
Sự phát triển của xã hội loài người cũng tuân theo quy luật riêng của nó. Chu kì là đặc điểm mà chúng ta dễ thấy nhất. Mỗi chu kì mới khi ra đời, sẽ là sự lặp lại, kế thừa những tinh hoa của chu kĩ cũ, nhưng ở tầm cao mới, tiến bộ và văn minh hơn. Các hình thái kinh tế xã hội ( từ cộng sản nguyên thuỷ, cho đến xã hội tư bản hiên nay) không bao giờ đứng yên, nó luôn vận động biến đổi, luôn phát triển theo chiều hướng đi lên. Và càng phát triển lên tới đỉnh cao, nó càng tiến gần đến giai đoạn mạt kì để kết thúc một vòng tồn tại. Trong tương lai, khi xã hội Tư bản phát triển đến giai đoạn tột cùng - giai đoạn “giãy chết” - thì đó chính là thời khắc sẽ ra đời một xã hội mới.
 
Cho đến hôm nay, lịch sử loài người cũng mới chỉ có hai ông: Karl Marx và Fridrich Engel là những người đầu tiên và duy nhất đã tiên tri được rằng: “Chủ nghĩa Cộng sản khoa học” sẽ là xã hội mới, ra đời tiếp theo để kế thừa, thay thế và tiếp tục phát huy những gì tinh tuý nhất từ xã hội Tư bản. Xã hội đó không phải sinh ra từ “họng súng” (lời của Mao Trạch Đông), không phải sinh ra từ “bạo lực cách mạng”, không giải quyết mâu thuẫn xã hội bằng “chuyên chính vô sản”... Xã hội mới đó phải được thai nghén một cách tự nhiên ngay trong lòng xà hội cũ và phải đủ tháng, đủ năm xã hội tươi đẹp này mới có thể ra đời - ra đời bằng phương pháp “chuyển giao quyền lực”. Đó cũng chính là lúc vừa kết thúc và cũng lại vừa bắt đầu một chu kì lớn về hình thái kinh tế – xã hội của loài người.
 
Tuy nhiên, dù bất cứ là xã hội gì, giai cấp nào lãnh đạo, nhưng nếu sẽ mang lại cho con người hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc... thì với tư cách là NGƯỜI sống trên trái đất nhỏ nhoi này, chúng ta đều đặt niềm tin và hi vọng vào xã hội đó.
 
Liệu xã hội Việt Nam hiện nay có phải là xã hội mùa xuân trong mơ, mà năm xưa, những người lính chúng tôi đã từng khắc cốt ghi xương trong những lời thề? Đúng là nó đấy, nhưng lại là cái khác nó.
 
Chuyển đổi cả một hệ thống kinh tế – chính trị của đất nước, sang một cái “khác nó” là vô cùng khó khăn, cần có bàn tay “TRỜI”. Nhưng không phải là không làm được. Chúng ta cần có thời gian để cho “lượng” của khối vật chất và tinh thần biến đổi dần; cần có những cọ xát tích cực để giải quyết mâu thuẫn trong xã hội, để tạo động lực thúc đẩy, phát triển; cần tìm ra cái mới, những cái thực sự ưu việt để thay thế cái cũ đã lạc hậu - không phù hợp; Chúng ta cần có điều kiện “cần và đủ” về mọi mặt trong xã hội, để cả lãnh đạo và nhân dân đều trưởng thành về mặt trí tuệ. Bàn tay “Trời” ở Việt Nam hôm nay không gì khác, chính là bàn tay của Đảng. Đảng cộng sản Việt Nam đã có đủ vinh quang và tầm cao thời đại, khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam kinh qua hai cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Giờ đây, đứng trước thời điểm hết sức cam go của lịch sử dân tộc: Sự tan giã của hệ thống Xã hội chủ nghĩa; tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc đang lăm le gây chiến tranh khu vực; chủ quyền quốc gia bị uy hiếp từng ngày; đầu tư Tư bản từ nước ngoài ngày càng lớn; lực lượng tham nhũng - chống đối ngay trong lòng Đảng chưa chịu đầu hàng; lòng dân chưa yên... thì Đảng vẫn phải gánh trên vai mình sứ mệnh lịch sử trọng đại này. Đảng phải hết sức sáng suốt, dũng cảm và quyết hi sinh TỰ ĐỔI MỚI MÌNH (đặc biệt đổi mới về tư duy) để trở thành “Phù Đổng thiên vương” và để dẫn dắt quần chúng nhân dân Việt Nam tiếp tục đi tới thắng lợi mới, mang lại tầm cao mới cho giá trị của toàn DÂN TỘC.
 
Nếu như ngày nay, chưa phải là thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thì ngày mai - nhất định ngày mai chúng ta sẽ có mùa xuân. Loài người vẫn có quyền hy vọng.
 
Thời đại của chủ nghĩa xã hội – CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHOA HỌC (không giai cấp, không nhà nước, không chiến tranh, không quân đội, không cảnh sát...) - vẫn đang còn ở phía trước. Nó sẽ xuất hiện, nhưng chỉ xuất hiện sau giai đoạn phát triển cao nhất – tức giai đoạn hoàn thiện tột cùng – của CHỦ NGHĨA TƯ BẢN.

Nguyễn Công Tiến
Halle/S. 18.3.2020 - 02.11.2020
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây