Tháng 10/2022, tôi được mời đến dự Liên hoan âm nhạc Ghi-ta quốc tế tại Berlin, mà trọng tâm là chương trình biểu diễn Faust - Sonata của GS Đặng Ngọc Long. Trong vòng ba năm, anh đã dồn toàn bộ trí tuệ vào việc chuyển thể kiệt tác Faust thành Độc tấu ghi ta. Mô tả một số phận nghiệt ngã bằng văn xuôi đã khó, bằng thơ còn khó hơn và tất nhiên bằng nốt nhạc phim đàn là khó nhất. Là người không hiểu biết nhiều về âm nhạc nên tôi chỉ có thể thưởng thức cái bi tráng một bản nhạc khi có người nào đó giảng giải cho, ví dụ những bản giao hưởng, sonata.
Rất may tôi đã biết và mê kiệt tác Faust từ nhiều năm trước, khi nghiên cứu về chương trình dạy văn trong nhà trường Đức. Chính vì thế, khi nghe Đặng Ngọc Long biểu diễn, tôi hiểu được cốt hồn câu chuyện qua tiếng đàn ghi-ta. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Đối với đa số công chúng, việc hiểu và thưởng thức trực tiếp một tác phẩm âm nhạc là rất khó. Chính vì thế tôi có ý tưởng tóm tắt toàn bộ nội dung và ý nghĩa của tác phẩm Faust với hy vọng, thính giả sẽ thưởng thức màn độc tấu rất hay này một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra nó còn là tài liệu ngắn gọn chắt lọc từ tác phẩm 12 nghìn câu thơ gói linh hồn Đức, gói tinh thần trào lưu Khai sáng ở Tây Âu cách đây hai thế kỷ. Vì không muốn mạch tư duy của độc giả bị gián đoạn, tôi đăng một lần để những ai quan tâm không cần phải chờ đợi. Kính chúc độc giả một năm mới mạnh khỏe và có nhiều niềm vui.
………
GOETHE VÀ TUYỆT TÁC FAUST
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749 tại Frankfurt am Main, mất ngày 22 tháng 3 năm 1832 tại Weimar CHLB Đức. Ngay từ lúc còn nhỏ, gia đình đã tạo điều kiện để ông học nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, khoa học, ngôn ngữ, chơi các nhạc cụ, khiêu vũ, đấu kiếm, cưỡi ngựa.
Mười sáu tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu luật tại Leipzig nhưng phải bỏ dở vì bệnh nặng. Hai năm sau, năm 1770, ông học tiếp ở Straßburg (Pháp) và hoàn thành luận án tiến sĩ luật ở đó, trước khi trở về Frankfurt hành nghề. Đó là những năm trước khi cách mạng Pháp bùng nổ.
Không những để lại cho hậu thế số lượng tác phẩm văn học đồ sộ, ông còn là bác sĩ, nhà triết học, đã từng giữ chức bộ trưởng bộ văn hoá trong chính quyền ở Weimar lúc bấy giờ.
Goethe sống rất mãnh liệt, làm việc hết mình, nhưng cũng hưởng thụ hết mình. Ông đi du lịch nhiều nơi, thích uống rượu ngon, thích bàn luận với bạn bè về văn học, triết học và quan hệ với rất nhiều phụ nữ. Faust là một trong những kiệt tác của ông, được dịch ra trên 50 thứ tiếng, được dựng thành kịch và phim.
Từ 1771- 1775 ông làm luật sư ở Frankfurt. Chính ông đã tham dự xử án Margaretha Brandt, một vụ án gây cho ông quá nhiều xúc động để rồi sau này ông xây dựng nhân vật Gretchen trong „Faust“, một trong những phần hay nhất của tác phẩm:
Margaretha Brandt là một cô gái hầu sống ở Frankfurt. Nhân dịp ghé qua Đức, một thương gia người Hà lan đã cưỡng hiếp làm cô có bầu. Cô đem chuyện này kể với chị gái. Chị cô đã công khai tố cáo việc này nên sau khi sinh con, cô đã giết đứa bé, vì quan niệm xã hội hồi đó còn rất nặng nề. Người phụ nữ không chồng mà có con thì đó là nỗi nhục không gì so sánh nổi. Nỗi oan ức của người phụ nữ thời đó được Goethe nêu rất đậm nét trong tác phẩm Faust.
Từ 1773 ông dồn toàn bộ sức lực của mình cho tác phẩm Faust I, để nó ra đời vào năm 1808. Sau khi gặp Schiller và Herder, những nhà hiền triết cổ điển Đức, ông vô cùng phấn khởi và rủ họ về cùng sống ở thành phố Weimar, lập lên trường phái cổ điển Đức. Herder và Schiller đã khích lệ rất nhiều để ông hoàn thành và xuất bản Faust II, ít tháng trước khi ông mất, năm 1832.
FAUST I
Đây là tác phẩm thơ gồm 12 nghìn câu và là một trong những tác phẩm rất hay của kho tàng văn học thế giới. Đọc Faust độc giả sẽ hiểu được tư tưởng nhân văn sâu sắc của trào lưu “Khai sáng” thế kỷ thứ 16/17 ở châu Âu, một trong những nền tảng vô cùng quan trọng để có châu Âu bây giờ.
Chủ đề của tác phẩm rất rộng lớn, bao quát từ đấng tạo hoá đến con người đời thường. Nội dung thể hiện cái thực xen lẫn tưởng tượng, nói đến ý nghĩa tình yêu cuộc sống, về cái chết, về tôn giáo.
Tác phẩm thể hiện lúc nghiêm túc, lúc hài hước, lúc tầm thường, lúc triết lý, hay đến mức cuốn hút hơi thở, thông qua sự xuất hiện của con người thực, đời thực. Chủ đề chính nghiên cứu cuộc sống ở cõi thượng đế và đời thường trên trần thế. Ở mọi nơi, bao giờ cũng xuất hiện vai trò của một thế lực ma quỷ phá rối.
Những nhân vật chính
Trên trời
Thượng đế là đấng tạo ra tất cả, biết tất cả mọi chuyện xảy ra và là thế lực thống trị tuyệt đối. Dưới thượng đế là những thiên thần tuân lệnh.
Đời thường trên trái đất
Hai nhân vật chính của tác phẩm là Faust và Gretchen. Faust là một giáo sư đại học, một bác học, hiểu cao biết rộng, muốn nghiên cứu thật sâu để biết tất cả. Wagner là một trong những sinh viên xuất sắc của Faust. Họ đại diện cho giới trí thức, động lực phát triển của xã hội.
Gretchen là một cô gái mới lớn con nhà lành, thuộc giới hạ đẳng, ít được học hành. Faust và Gretchen yêu nhau, một tình yêu hoàn toàn tự nhiên, bất chấp tất cả. Cả hai chỉ đại diện cho giới đàn ông và đàn bà trên trần thế. Quan hệ xã hội của Gretchen cũng rất khiêm tốn, cô chỉ có tình cảm với mẹ, anh trai Valentin và đứa con mới sinh ra. Bạn bè cùng lứa để Gretchen có thể tâm sự được là Lieschen và Barbelchen. Cô là người ngoan đạo, đến nhà thờ đều đặn và quen một số linh mục.
Một người liên quan nhiều đến số mệnh của cô là bà hàng xóm, tên Marthe. Các mối quan hệ của Gretchen là các mối quan hệ đời thường trên trần thế.
Ngoài quan hệ với Gretchen là người tình, số phận của Faust còn liên quan đến một nhân vật chính nữa, đại diện cho thế giới ma quỷ, là Mephisto, tên ngắn gọn của Mephistopheles. Đó là tên có gốc Hy Lạp, có nghĩa là sợ ánh sáng, ưa bóng tối.
Mở màn của vở kịch là cuộc tranh luận của ba nhân vật tầm cỡ. Họ tranh luận với nhau về quan điểm nghệ thuật và kịch. Giám đốc nhà hát kịch quan tâm nhiều đến số lượng khách xem nên chiến lược của ông là tìm mọi cách chiều khán giả.
Nhà thơ thì ngược lại, ông coi thường cách thưởng thức nông cạn của quảng đại quần chúng. Quan điểm của ông là phục vụ nghệ thuật thuần tuý, phấn đấu cho danh vọng và tiếng thơm để đời sau.
Nhân vật thứ ba là một diễn viên, dùng hài hước để truyền đạt một thông điệp: Hãy đi sâu vào nội tâm của con người, nó thật kỳ diệu.
Sau khi kéo màn, 3 thiên thần xuất hiện trước thượng đế. Họ tán dương những tác phẩm mà tạo hoá đã tạo nên. Mephisto đại diện cho một quan điểm ngược hẳn “Tôi chỉ thấy con người là một sinh vật luôn phải chịu khổ đau”. Thượng đế nói với Mephisto rằng, ông không có hứng tranh luận với anh ta mà giới thiệu một tiến sĩ tên là Faust trên trần thế thay ông làm việc này. Theo ông, Faust là một người thông thái, suốt đời tìm tòi nghiên cứu để hiểu biết.
Ngay lập tức Mephisto khẳng định, anh ta có thể cá cược với thượng đế là sẽ dụ được Faust đi hưởng thụ, chứ suốt đời chỉ nghiên cứu để làm gì. Thượng đế cho phép Mephisto làm chuyện đó và nói thêm: Khi con người còn làm việc, bao giờ cũng có lỗi lầm. Những sai lầm trên con đường đi tìm cái mới chính là con đường vòng để dẫn đến tiến bộ.
Bi kịch nhà bác học
Sau khi kéo màn phông lần thứ hai. Nhân vật chính Faust xuất hiện, sau đó đến Gretchen và từ đó trung tâm vở kịch tập trung vào quan hệ tình yêu giữa hai người. Nhân vật Faust tự giới thiệu chủ yếu thông qua độc thoại.
Faust cho biết hoàn cảnh mình đang sống, rất khao khát nhưng cũng rất bực bội trong nội tâm. Thỉnh thoảng tình tiết bị gián đoạn khi sinh viên của ông bước vào hỏi ông những vấn đề liên quan đến sách vở.
Đêm trước lễ phục sinh Ostern (tháng 4), Faust không thể nào ngủ được vì nghĩ đến cuộc đời. Ông là người hiểu cao biết rộng, hình như con người ông đã hội tụ gần như tất cả kiến thức của loài người thời đó, nhưng ông vẫn tỏ ra hoài nghi giới hạn hiểu biết của con người. Ông cảm thấy bất lực khi không biến được những hiểu biết của mình để phục vụ con người. Ông khao khát muốn biết trong tâm của trái đất có những gì, tại sao chúng tồn tại. Có những lúc ông muốn dùng ảo thuật để vượt qua những giới hạn ấy, nhưng đều thất bại.
Trong lúc hoang mang thì Wagner, một sinh viên của ông bước vào để bàn với thầy về kiến thức và thể hùng biện trong văn nói. Ông trả lời mệt mỏi và khô khốc làm cho Wagner hiểu ý và sớm rời khỏi căn phòng.
Sau khi tiễn Wagner, Faust trở về phòng với nỗi thất vọng còn lớn hơn. Trong đầu ông vụt hiện lên ý nghĩ muốn tự tử, khi nhìn thấy chai hoá chất thuốc độc trong phòng. Ông cho rằng, có lẽ đó là cách duy nhất để ông thoát khỏi nỗi day dứt lương tâm.
Đang định thực hiện ý đồ thì tiếng chuông nhà thờ nổi lên báo hiệu lễ phục sinh đã đến, kêu gọi mọi người đi cầu nguyện. Đột nhiên Faust nhớ lại những ngày thơ ấu của mình đầy kỷ niệm và hạnh phúc, ông hạ chai thuốc độc xuống.
Ngày lễ phục sinh là một ngày chủ nhật, tất cả đổ ra đường dạo chơi, nét mặt hân hoan, bất kể đó là tiểu tư sản hay nông dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ. Họ hát vang những gì họ muốn thể hiện. Đó là những cảnh Faust chưa bao giờ chứng kiến, vì ông chỉ biết đến sách vở và phòng thí nghiệm.
Faust rủ Wagner cùng đi dạo. Mùa xuân đã đến, Faust thực sự hài lòng khi chứng kiến những con người bình dị kính cẩn chào ông, một nhà khoa học và đồng thời là một thầy thuốc. Wagner ghen tị với ông về điều ấy, nhưng ông không để ý. Câu chuyện tiếp theo giữa hai người cho thấy Wagner là người lạc quan tin vào tương lai, tin vào khoa học, còn Faust rất hoài nghi và ông cũng thể hiện rất khao khát muốn hiểu biết.
Thế rồi màn đêm kéo đến, từ cánh đồng có một con chó lông xù tiến đến chỗ hai người. Đó chính là Mephisto và từ đó Mephisto đi vào cuộc đời ông. Mephisto biến thành chó lông xù vì loài thú này rất được dân chúng ưa chuộng và vì thế mới có thể vào phòng làm việc của Faust.
Sau khi dạo chơi về, Faust dùng hết sự uyên bác của mình để dịch kinh thánh (từ La tinh ra tiếng Đức). Lúc đó con chó lông xù theo ông về làm ông không giữ được bình tĩnh nữa. Ông gạn hỏi về xuất xứ của nó: “Hãy cho ta biết ngươi là ai?”. Mephisto trả lời: „Là thế lực luôn muốn cái ác và tạo nên cái thiện, là thần luôn phủ định”. Faust đã nghĩ đến một hiệp ước với con quỷ này rồi nhưng nó chưa chấp nhận vì cho rằng chưa hợp thời điểm. Mephisto dùng ảo thuật làm cho Faust mệt nhoài và ngủ thiếp đi.
Mephisto quay trở lại, ăn mặc đàng hoàng và mời Faust cùng đi thưởng thức những gì Faust chưa biết trong cuộc sống. Faust phản ứng tỏ vẻ chán chường. Lúc đó Mephisto cho rằng, thời điểm đã đến.
Mephisto đề nghị với Faust, nó sẽ làm đầy tớ phục vụ Faust. Faust gặng hỏi điều kiện do Mephisto đặt ra. Mephisto nói:
Tôi nguyện làm nô lệ
Anh sai khiến mọi bề
Khi anh vẫn từ bỏ
Hưởng thanh nhàn đam mê
Chỉ khi nào anh thấy
Gối mỏi chân chồn rồi
Linh hồn anh lúc ấy
Sẽ thuộc quyền của tôi
Faust luôn tin mình không bao giờ nhụt ý chí trong nghiên cứu nên sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Mephisto. Ông khẳng định: Khi nào anh thấy tôi mệt mỏi chán chường với nghiên cứu và muốn nghĩ đến hưởng thụ thì lúc đó linh hồn tôi thuộc về anh. Hiệp ước này được Faust ký bằng máu.
Mephisto muốn cám dỗ Faust, nên đưa ông đi chu du thiên hạ để thấy những cái cần hưởng thụ. Khi họ đang chuẩn bị đi thì một học sinh vào hỏi về hướng nghiên cứu sau này. Mephisto đóng giả Faust tiếp cậu học sinh, còn Faust đóng va ly chuẩn bị lên đường.
Khi đóng vai Faust, Mephisto đã chế nhạo cách dạy khô cứng thiếu thực tế của nền đại học. Dùng ảo thuật, anh ta làm cho cậu sinh viên mê ngành y và còn dạy anh sinh viên dùng tiểu xảo để đạt mục đích nhanh nhất mà không cần nhiều kiến thức. Ngoài ra Mephisto còn dạy cho anh học trò cách để làm cho phụ nữ chết mê chết mệt.
Sau khi tiễn anh sinh viên, hai người lên đường. Faust hỏi: “Chúng ta đi đâu?”. Mephisto trả lời: „Đi đến chỗ nào anh muốn, chúng ta sẽ tham quan thế giới nhỏ, sau đó sẽ tham quan thế giới lớn hơn”. Thế giới nhỏ là thế giới Faust và Gretchen đang sống, thế giới đời thường, còn thế giới lớn nằm ở phần 2 của tác phẩm, thế giới triều đình, thế giới của thượng đế.
Địa chỉ đầu tiên Mephisto đưa Faust đi là một quán rượu nổi tiếng ở Leipzig. Hoạt cảnh này được trang trí rất kịch tính, cho phép độc giả thấy được cách ứng xử của một số loại người. Hai nhân vật sinh viên là Frosch và Brander nói chuyện nhạo báng nền đại học, nhóm thì chuốc rượu cho nhau, nhóm thì nói chuyện tục tĩu khả ố. Mephisto trổ tài làm các ly rượu của khách bỗng dưng bốc lửa, khách uống như điên khùng, hành động như những con thú hoang. Sau đó Mephisto lại dùng ảo thuật dập tắt lửa và cùng Faust biến khỏi nơi đó. Faust chán ngán nói: „Tôi muốn rời khỏi nơi này”. Thử nghiệm đầu tiên của Mephisto dụ Faust đã thất bại.
Mephisto lại đưa Faust đi đến một vương quốc ảo tưởng vô hình, bếp phù thuỷ. Ở đây chim thú nói được tiếng người, dụng cụ máy móc thì rất lạ. Faust được biến thành một chàng trai trẻ. Faust nói: „Tôi không bao giờ thích những điều huyền bí”. Mephisto đóng vai vua của các loài thú một cách tẻ nhạt (lúc đó phù thuỷ chưa về). Mephisto giới thiệu cho Faust bức hình Helena tuyệt đẹp. Kể từ đó, đầu óc Faust không để ý gì ngoài bóng hình phụ nữ tuyệt đẹp kia. Mephisto hứa sẽ làm mọi cách để Faust toại nguyện.
Giữa lúc đó phù thuỷ về, quát mắng thậm tệ các loài thú và các vị khách. Mephisto giới thiệu với phù thuỷ về Faust, nói là khách quý của mình. Phù thuỷ liền xin lỗi và hứa sẽ hết lòng phục vụ. Mephisto yêu cầu một ly nước quả có thể làm Faust trẻ lại, phù thuỷ trao cho Faust ly nước thần. Mặc dù thế Faust chẳng hứng thú gì mà chỉ mong một bóng hình phụ nữ. Mephisto kéo ông đi và hứa:
“Anh sắp được gặp một mẫu mực về sắc đẹp, nếu uống ly nước thần kia, anh sẽ thấy hình ảnh phụ nữ nào cũng giống Helena” . Đó là nữ thần Hy lạp bị bắt cóc đưa sang Troja, nguyên nhân của cuộc chiến 10 năm - huyền thoại con ngựa thành Troja.
Lời hứa này đưa vở kịch đến hoạt cảnh mới: Bi kịch Gretchen.
Bi kịch Gretchen
Faust gặp Gretchen trên đường cô từ nhà thờ về nhà. Cái nhìn của cô đã cuốn hút hồn Faust. Ông không chần chừ đưa ra lời đề nghị đưa tiễn cô một đoạn đường về nhà. Gretchen đã từ chối: „Em chẳng là thiếu nữ, mà cũng chằng có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. Em sẽ tự về được không cần đưa đón đâu”. Cô khước từ vì muốn giữ phẩm giá.
Mephisto xuất hiện và lần đầu tiên Faust thể hiện sự thèm khát, lần đầu tiên ông muốn sử dụng quyền sai khiến của mình: Faust muốn chiếm Gretchen, ngay lập tức. Nhưng Faust đã thất vọng vì Gretchen là một cô gái ngoan đạo, vô tội và thánh thiện. Trong những trường hợp như thế này, khả năng phù thuỷ của Mephisto rất hạn chế.
Mặc dù thế Mephisto hứa với Faust rằng, ngay đêm nay sẽ được đến phòng của cô, nhưng không được gặp Gretchen. Faust giao nhiệm vụ cho Mephisto phải kiếm nhanh một món quà quý để ông tặng Gretchen.
Trời đã khuya lắm rồi, một mình trong phòng, Gretchen tự hỏi: Ai là người đã gặp mình lúc tối, ông ta là một người quý phái, biết đâu đó là một người tuyệt vời mà thượng đế phái xuống. Sau khi Gretchen rời khỏi phòng, Mephisto và Faust vào phòng cô nhưng Faust chỉ muốn một mình, nên yêu cầu Mephisto ra ngoài. Ông quan sát kỹ lưỡng căn phòng, đơn sơ nhưng gọn gàng. Cảm xúc xác thịt bỗng trỗi dậy. Mephisto quay trở lại và trao cho Faust một hộp nhỏ đựng đồ trang sức. Faust giấu hộp trang sức vào tủ của Gretchen rồi hai người biến mất.
Gretchen trở lại phòng và cảm thấy ngay có cái gì đó khang khác. Cô vui và hát bản tình ca của vua Thule, bài hát nói về lòng chung thuỷ trong tình yêu. Tìm thấy đồ trang sức trong tủ, cô vô cùng sung sướng và thử ngay những đồ quý này. Đó là món quà cô chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Đeo những đồ trang sức này, Gretchen thấy tự tin hơn nhưng càng cảm thấy không xứng với Faust.
Cô đã đem món quà khoe với mẹ và mẹ cô lại mang nộp nó cho linh mục nhà thờ. Mephisto rất cáu nhưng Faust bình thản đặt món quà mới.
Gretchen lại tìm thấy hộp quà thứ hai, lần này cô không khoe mẹ mà khoe với người hàng xóm Marthe. Bà đã tự tay trang điểm cho Gretchen. Đúng thời điểm đó thì Mephisto xuất hiện. Anh ta giới thiệu là người quen của chồng Marthe đã chết và khẳng định chính anh ta đã chứng kiến cái chết của chồng bà. Marthe rất cần một giấy chứng tử và như vậy bà cần vài nhân chứng nữa. Mephisto giới thiệu Faust với bà, anh ta dàn dựng rất đạt để tạo điều kiện cho Faust gặp Gretchen êm thấm.
Trong những phút bên nhau, Gretchen đã kể cho Faust nghe hoàn cảnh của mình. Cha và em gái đã chết, anh trai là lính. Cô ở với mẹ để đỡ đần bà công việc hàng ngày. Họ yêu nhau dù hoàn cảnh hai người không môn đăng hậu đối. Một người là bác học còn người kia là cô gái nông dân chất phác, một người vô thần còn người kia sùng đạo, một người lớn tuổi và người kia mới lớn, một người quan hệ rất rộng còn người kia chỉ có vài người bạn. Tóm lại, đó là quan hệ kiểu ông chủ và cô hầu.
Họ hôn nhau và hẹn một đêm chung sống. Gretchen khẽ hát một bản tình ca để muốn nói rằng, không có Faust cô không sống nổi, dù biết đó là vi phạm giá trị lễ giáo của nhà thờ. Cô đã hy sinh lễ giáo để cống hiến cho tình yêu.
Khi Faust nói với cô rằng ông là người vô thần thì cô không thể yên lòng, ngoài ra cô cảm thấy Mephisto luôn ám ảnh cô, rất khó hiểu. Rồi hai người chia tay. Faust và Mephisto đi dạo, hưởng những giây phút hài hòa với thiên nhiên. Nhưng chẳng bao lâu sau ông lại bị cảm giác chán chường và chật chội. Mephisto trở lại, đùa cợt với sự cô độc của Faust và cả những đòi hỏi tình dục của ông. Anh ta nhắc đến Gretchen và nói cô ấy luôn nhớ đến Faust, dù có đôi chút châm biếm.
Sau một lúc dao động, Faust quyết định trở lại tìm Gretchen. Faust hiểu rất rõ điều đó sẽ đẩy cô vào con đường bất hạnh, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Sự ích kỷ ấy là thảm họa đối với một cô gái mới lớn.
Vắng Faust, Gretchen luôn cảm thấy trống trải nhớ nhung. Sự nghiêm túc của cô được thể hiện công khai qua bài hát “Sự yên lặng của tôi đã ra đi”. Gretchen không còn cảm thấy mình là một cô gái nữa, mà là một người đàn bà đầy khát vọng.
Hai người hẹn nhau một đêm chung sống. Vì muốn không bị mẹ quấy rầy, Faust đã mang theo thuốc ngủ pha nước trái cây để mẹ cô ngủ không biết gì. Chính liều thuốc ngủ quá liều ấy do Mephisto chuẩn bị đã giết chết mẹ cô. Từ đêm đó cô mang thai. Cô đã phạm tội giết mẹ.
Gretchen có hai người bạn gái thân là Liechen và Barbelchen. Liechen tình cờ gặp Gretchen bên giếng nước rồi kể, Barbelchen sắp có con và bị người tình bỏ rơi. Cô ấy đang bị thiên hạ khinh thường. Trước kia Gretchen rất nhiệt tình bình luận những đề tài như thế, nhưng lần này cô giật mình nghĩ đến số phận mình và linh cảm rằng, mình cũng sẽ bị trừng phạt. Không có ai để tâm sự những uẩn khúc, cô đã đến thánh đường tìm lời an ủi của Maria.
Anh trai của Gretchen tên là Valentin, một người lính. Khi nghe tin em gái dính vào vụ bê bối thì cảm thấy bị xúc phạm không thể chịu nổi. Là người lính, anh quyết định rửa nhục lấy lại thanh danh cho gia đình, tìm cách hạ sát tình nhân của em.
Ngay trước cửa nhà mình, Valentin gặp Faust và Mephisto. Lúc đó Mephisto đang hát một bài có nội dung éo le, gần giống như hoàn cảnh của Gretchen nhưng phảng phất âm thanh nhạo báng. Không thể chịu được, Valentin rút gươm tấn công Faust và Mephisto. Valentin là lính chiến nên quen với cung kiếm binh đao, còn Faust chỉ là một học giả chưa bao giờ một lần cầm kiếm. Nhưng khi bị thách đấu, Faust cũng sẵn sàng vì đó là danh dự của một gã đàn ông. Nhờ ảo thuật của Mephisto làm tay gươm của Valentin bị liệt, lưỡi gươm của Faust đã hạ gục Valentin. Sau khi giết Valentin, hai người bỏ trốn. Cả khu phố thức giấc đổ ra đường, trong đó có cả Gretchen và Marthe. Trước khi chết, Valentin vẫn còn sỉ nhục em là con điếm trước bàn dân thiên hạ.
Sau vụ này, Faust trốn khỏi thành phố, còn Gretchen hoang mang đến cực độ. Cô đã giết chết đứa con còn đỏ hỏn khi dìm đứa bé vào bể tắm. Cô cảm thấy vô cùng ngột ngạt và không còn đường thoát.
Cô đến nhà thờ và nhận ra rằng, cô đã tham gia giết mẹ, có mang khi không có chồng và vì thế dẫn đến cái chết của anh trai. Cô cảm thấy mọi ánh mắt đều buộc tội cô. Chủ đề giảng đạo của nhà thờ hôm đó lại là „Sự tận thế của trái đất và tòa án công lý sẽ trừng phạt người có tội“, cô ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cô bị bắt tống giam vì tội giết con.
Để làm Faust bớt phiền muộn, Mephisto đưa ông đến Walpurgis nhân ngày hội của quỷ, bên sườn dãy núi Harz. Quỷ thần nhảy múa và thể hiện những điều huyền bí vượt quá khả năng con người. Trong đêm đó, Faust nhìn thấy xa xa một đứa bé rất đẹp nhưng nhợt nhạt. Nó rất giống Gretchen nhưng mắt như đã chết và có một dải dây đỏ quấn quanh cổ. Ông hiểu rằng, Gretchen sắp bị hành quyết.
Ông đau khổ đến cực độ và kết tội Mephisto đã gây ra thảm cảnh này. Faust ra lệnh cho Mephisto bằng mọi giá phải cứu Gretchen. Hai người cưỡi một con ngựa thần màu đen nhanh chóng đến nơi tuyệt mật, nơi giam giữ Gretchen.
Đến được nhà tù, Mephisto dùng ảo thuật đầu độc người gác cổng. Faust vào được nhà giam, nhưng Gretchen đã bị điên không nhận ra ông mà cứ tưởng đao phủ đến dẫn đi. Khi ông gọi tên, cô mới giật mình nhận ra người tình. Ý nghĩ được cứu thoát vụt hiện trong đầu cô. Gretchen lao đến hôn Faust, nhưng ông không thể hôn cô lúc này vì phải rời khỏi đây nhanh nhất như có thể.
Khoảnh khắc ấy làm cô bàng hoàng và rất thất vọng vì Faust từ chối hôn cô. Cô không muốn trốn thoát cùng Faust nữa. Sự xuất hiện của Mephisto càng làm cho cô quyết tâm không đi. Cô phó thác cho định mệnh, cho tòa án của chúa trời. Gretchen cảm thấy mình có tội và xứng đáng với cái chết.
Biết không lay chuyển được ý chí của Gretchen, Faust nói rằng ông không muốn sống nữa. Nhưng sau đó chữa lại, ông cần phải sống để chăm sóc mộ của toàn bộ gia đình và cả mộ của Gretchen. Gretchen nói với Faust lời cuối cùng là đừng chôn cô cạnh những ngôi mộ của gia đình, vì cô là một kẻ tội lỗi, nhưng hãy chôn cô ở gần đó. Đó là sự ân hận sâu sắc của cô gái có số phận nghiệt ngã.
Cô bị hành quyết, nhưng linh hồn đã được tự do. Màn bi kịch này kết thúc đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người hơn hai thế kỷ qua. Người ta đều hỏi: Sao lại có những số phận nghiệt ngã đến thế! Đó cũng là phần hay nhất của kiệt tác Faust.
Gretchen là hình ảnh đại diện cho cuộc sống của phụ nữ lúc bấy giờ. Họ sống trong một xã hội vừa toàn trị vừa phong kiến, các quyền tự do cá nhân bị chiếm đoạt. Cô là nạn nhân của sự hà khắc xã hội và đạo lý. Còn anh trai, vì ngộ nhận quan niệm danh giá gia đình đã đẩy em gái vào con đường cùng, nhục mạ em. Qua câu chuyện của Liechen về Barbelchen người ta rùng mình vì sự khắt khe quá đáng của dư luận xã hội. Những thông điệp trên đã giúp người Đức hay thế giới phương tây nói chung tạo nền tảng nhân đạo và thoáng như văn hóa phương tây ngày nay.
Gretchen đến tham dự một lễ viếng tại nhà thờ trong tâm trạng hết sức hoang mang. Cô cảm thấy một thần ma nào đó đe doạ, vì cô đã gián tiếp ám hại mẹ, có mang khi chưa có chồng và vì thế dẫn đến cái chết của anh trai. Cô cảm thấy những ánh mắt buộc tội cô từ mọi phía.
Chủ đề cầu nguyện hôm đó lại là “Sự tận thế của trái đất và toà án công lý sẽ trừng phạt người có tội”. Không thể chịu được nữa, cô ngất xỉu. Đáng lẽ ra nhà thờ phải mở lòng từ bi cứu một linh hồn thì lại ghẻ lạnh.
Mephisto là một nhân vật khôn lỏi, nhiều mưu mẹo, có tài hùng biện nhưng tìm mọi cách để Faust sa ngã (làm Faust trẻ lại đến 20 tuổi, giúp ông thực hiện những vụ áp-phe).
Dù là một người suốt đời muốn cống hiến cho tìm tòi hiểu biết, nhưng Faust là một con người ích kỷ. Nhằm đạt mục đích của mình ông bất chấp những thiệt hại của người khác. Qua nhân vật Faust, Goethe muốn xây dựng hình ảnh một con người hiện đại nhưng tham lam vô độ, tham tiền, tham quyền lực không giới hạn.
Faust II
Sau khi Gretchen chết, ý chí của Faust hoàn toàn sụp đổ vì cảm thấy tội lỗi do chính mình gây ra. Một giấc ngủ tiên đã giúp ông quên đi tất cả. Những ý nghĩ tìm tòi nghiên cứu trước kia đã đụng vào bước ngoặt. Hình ảnh cuộc sống ông đang chứng giám cho thấy con người không bao giờ nhìn thấy sự thật hoàn toàn: Faust cũng như biết bao nhiêu người khác, không bao giờ nhìn được trực tiếp ánh mặt trời, mà phải chấp nhận nhìn những khúc xạ của nó. Gần như ông phải làm lại từ đầu. Faust và Mephisto lại chuẩn bị cho một chuyến đi mới, chuyến đi khảo sát thế giới rộng lớn hơn, đi từ Hy Lạp cổ đại, xuyên qua thời kỳ trung cổ đến những năm tháng cuối cùng mà Goethe đã chứng kiến.
Học sinh của Faust, anh Wagner bây giờ đã trở thành tiến sĩ. Mephisto đưa Faust đến thành Troja gặp nàng Helena, người vợ của vua Sparta bị bắt cóc sang Troja làm bùng nổ cuộc chiến 10 năm. Đám cưới của Faust và Helena biểu tượng cho mối liên quan giữa sự phát triển của Tây Âu và triết học Hy Lạp cổ đại.
Quay về Đức, ông đã nhập vai và sống trong cung đình vua (nhờ trò ảo thuật của Mephisto), và ông cũng không nhận thấy sự phát triển nhân cách con người hoàn thiện như ông đã tưởng tượng. Ông lại đi tiếp đến những nước phát triển ở phương Tây là Anh và Pháp.
Cuối đời ông bị mù và sống ở một nơi cạnh một đầm lầy. Đầm lầy là hình ảnh có ảnh hưởng xấu đến con người, ông có ý nghĩ con người cần hợp sức lại để lấp đầm lầy kia trừ hoạ. Ông sẽ rất vui mừng nếu được nhập cuộc với những người lấp đầm lầy. Đắm chìm trong huyền thoại đó, Faust đã thốt ra những lời công nhận sự hưởng thụ là một giải trí, sự lười biếng một lúc nào đó sẽ đến và đó chính là điều Mephisto mong muốn trong hiệp ước đã ký bằng máu với Faust.
Nói xong câu đó Faust chết. Đáng lẽ linh hồn Faust bị Mephisto mang xuống địa ngục thì lại được các thiên thần cứu thoát để tôn thờ một linh hồn vĩnh cửu. Đó là một linh hồn suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp nghiên cứu, mong qua đó làm cho cuộc sống của loài người ngày một tốt hơn. Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo của trào lưu Khai sáng.
Tác phẩm Faust mang tính bi kịch lạc quan. Sự giải thoát linh hồn Faust đòi hỏi chúng ta không bao giờ thoả mãn với chính mình, không bao giờ được ngừng nghiên cứu học hỏi, mà luôn phải vươn lên đạt những kết quả mới. Qua học hỏi nghiên cứu, xã hội loài người tiến lên, trong đó có chính mình. Việc nghiên cứu gian khổ kia không đòi hỏi phải từ bỏ nhưng thú vui của cuộc sống.
Tác phẩm Faust đã gợi mở những suy nghĩ về những điều quyến rũ trong cuộc sống, thông qua những gì Mephisto tạo ra để Faust sa ngã. Ngày nay tính cám dỗ xuất hiện khắp mọi nơi và có thể gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, về xã hội, về kiếm tiền.
Tiến sĩ Faust không được hưởng cuộc đời vinh quang vì những tham vọng quá đáng. Điều đáng nói là phải nhận ra sự phát triển của xã hội đương đại để hành động. Rất nhiều người cố gắng làm việc hết mình để mong sau này hái quả. Nhưng cái „sau này“ ấy cũng chẳng có giới hạn và nhiều người kiệt sức không được hưởng thành quả của chính mình.
Cuộc đời của Faust là những chuyến đi. Ông theo đuổi mục đích ích kỷ của mình có khi bằng những hình thức không đẹp và cuối đời cay đắng nhận ra là đã muộn khi muốn trở về với ý nghĩa cuộc sống thực sự.
Chính vì thế, hơn 200 năm sau, thế giới vẫn đánh giá Faust là một kiệt tác văn học.
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...