Xuân Thọ (Köln, CHLB Đức): KỂ CHUYỆN NƯỚC ĐỨC - LÀNG CỘNG HÒA RÜTERBERG

Thứ tư - 01/11/2017 05:14
LTS: Ít ai biết rằng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài CHLB Đức và CHDC Đức đã từng có một nền cộng hòa thứ ba trên lãnh thổ Đức. Đó là làng Cộng hòa Rüterberg „Dorfrepublik Rüterberg".

NguoiViet.de xin trân trọng giới thiệu bài viết mới với những thông tin quí giá vừa được đăng hôm nay trên FB cá nhân của tác giả Xuân Thọ.
Bảng tên làng chính thức hiên nay. Danh từ "Làng cộng hòa" (Dorfrepuplik) chỉ chú thích nhỏ bên dưới để nhắc về lịch sử. Nguồn: Internet
Bảng tên làng chính thức hiên nay. Danh từ "Làng cộng hòa" (Dorfrepuplik) chỉ chú thích nhỏ bên dưới để nhắc về lịch sử. Nguồn: Internet

Bên cạnh hai nhà nước Đức: Cộng hòa Liên Bang Đức (BRD) và Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) đã từng có một nền cộng hòa thứ ba trên lãnh thổ Đức. Đó là làng Cộng hòa Rüterberg „Dorfrepublik Rüterberg"(1). Điều này ít ai biết đến, đặc biệt là công dân CHDC Đức. Địa danh Rüterberg từng là một điều bí mật ở đó.

Năm 1970, tôi thực tập ở đài truyền hình Ostseestudio Rostock(2) nên may mắn quen thân ông Parschen, biên tập viên chương trình chuyên về lâm nghiệp, săn bắn. Chương trình này có tên là "Weidmanns heil", một lời chào của thợ săn Đức. Ông Parschen rất quý tôi vì tôi giúp ông mọi việc vặt. Từ hàn lại dây microphone, đến thay đầu cắm điện cho máy quay v.v, tôi đều làm ngay cho ông, bất kể trong hay ngoài giờ hành chánh. Vì thế một hôm tôi được ông cho đi theo quay phim về săn hươu rừng.

Đến gần thị trấn Dömnitz bỗng chúng tôi phải dừng lại trước một hàng rào dây thép gai, xuống xe đi bộ để vào rừng quay phim. Hai chiến sỹ biên phòng đi kèm đoàn làm phim. Khi đi qua một cánh cổng sắt lớn, có lính biên phòng canh gác, tôi chợt nhìn vào và thấy một khu dân cư trong đó với những chiếc ô tô Trabant của CHDC Đức, mọi ngôi nhà đều cắm cờ CHDC Đức. Tôi hỏi ông Parschen: Đây là nơi nào mà canh phòng cẩn mật vậy?

Ông ta nhìn hai anh lính biên phòng đi theo, nháy mắt không nói gì. Trên xe ô tô về nhà, ông bảo tôi:

Đấy là làng Rüterberg, một cái sẹo của chiến tranh lạnh (Schönheitsfehler des kalten Krieges)!

Các nước Đồng minh Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô dự định chia cắt nước Đức dọc theo sông Elbe. Quân Liên Xô ở bờ Đông. Riêng quân Anh được giữ lại vùng Rüterberg cũng nằm bên bờ Đông sông Elbe. Tranh chấp mãi, về sau quân Anh rút khỏi làng, nhưng đóng quân xung quanh làng để tối tối vào làng uống bia, tán tỉnh chị em thôn nữ.

Rồi Hồng quân Liên Xô vào làng, biến Rüterberg thành một vùng thuộc CHDC Đức, nằm lọt thỏm 3 mặt trên lãnh thổ Tây Đức, chỉ còn một mặt tiếp giáp với miền Đông. Vì lọt thỏm trong lãnh thổ Tây Đức nên nhiều người dân Đông Đức vẫn đến làng này du lịch và tranh thủ ban đêm, trốn sang bên kia. Năm 1961, chính quyền CHDC Đức liền xây hai lớp hàng rào bao quanh 3 mặt làng, ở giữa là đường đi có đèn pha chiếu sáng, có lính biên phòng đi tuần. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người cắt được dây thép gai, lừa được lính biên phòng để chạy qua bên kia.

Năm 1967, chính quyền CHDC Đức rào béng nốt cả mặt thứ tư, xây một cái cổng sắt to đùng và chỉ cho người làng được ra vào. Ở giữa làng, người ta xây một tháp canh cao vút, có đèn pha chiếu sáng bốn mặt. Họ hàng, bè bạn ở nơi khác muốn đến thăm, phải làm đơn xin phép trước cả tháng. Lá đơn phải được cơ quan công an ở Rüterberg và ở nơi ông họ hàng kia chứng nhận. Xe cộ, máy móc nông nghiệp của dân làng Rüterberg mỗi khi đi qua cổng làng đều bị kiếm soát chặt chẽ như ra vào một căn cứ hạt nhân. Từng đống rơm rạ đều bị khui ra xem có ai nằm trong đó không. Dân làng tự nhiên trở thành một loại công dân đặc biệt. Họ không được tự do như hàng xóm bên miền Tây đã đành, nhưng họ cũng không được tự do đi lại như những hàng xóm miền Đông khác, mỗi lần đi làm ruộng đều vô cùng rách việc.

Ông thợ may Hans Rasenberger là một người làng có uy tín và có tư tưởng tự do. Ông rất thích các mô hình chính quyền độc lập của một số vùng bên Thụy sỹ. Ngày 24.10.1989, khi ở Berlin và Leipzig có các cuộc tuần hành ngày thứ hai (Montagsdemonstrationen) đòi tự do dân chủ, ông triệu tập dân làng lại và đề nghị tuyên bố thành lập làng „Công hòa Rüterberg“. Ông lập luận quy chế Cộng hòa bằng đường biên giới khép kín của làng từ 1967 và cái thẻ căn cước đặc biệt như một loại hộ chiếu riêng mà không công dân Tây Đức cũng như Đông Đức nào có. Tất cả 90 chủ hộ, kể cả ông trưởng đồn biên phòng và ông trưởng công an thôn đều ký vào bản kiến nghị cho phép được tổ chức „Quốc dân đại hội“ vào ngày 08.11.1989.

Không hiểu thế nào mà bộ An ninh quốc gia CHDC Đức (STASI) ở Berlin lại đồng ý cho phép tổ chức cuộc họp đó.(Rất có thể STASI đang bấn lên vì các cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người).

Ngày 08.11.1989, nền Cộng hòa của làng Rüterberg được chính thức khai sinh, có quy chế độc lập với hai nhà nước Đức khổng lồ ép hai bên. Làng Cộng hòa này có quốc huy, quốc kỳ, dấu hành chính, dấu bưu điện riêng khẳng định nền cộng hòa nhỏ xíu của mình.

Chính quyền tự quản này tiếp tục hoạt động cho đến 03.10.1990, ngày nước Đức thống nhất. Ông trưởng công an thôn vẫn tiếp tục làm công an cho đến ngày về hưu. Riêng ông trưởng đồn biên phòng thì không gặp may mắn như vậy. Ngay ngày hôm sau 09.11.1989, bức tường Berlin bị xóa sổ. Dân làng bàn nhau phá dỡ toàn bộ hàng rào giây thép gai đã trói chặt cuộc sống của họ gần 30 năm qua. Ông trưởng đồn biên phòng và mấy anh lính phải đau khổ lái xe, vác dụng cụ, cùng dân làng đi phá bỏ chính nồi cơm của mình.

Ngày 14.7.1991, nhân kỷ niệm cách mạng tư sản dân quyền Pháp, chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern đã chính thức đổi tên làng Rüterberg thành Làng Cộng hòa Rüterberg. Nghi lễ nhà nước đó được tổ chức long trọng với sự có mặt của nhiều quan chức cao cấp, cùng 100 thanh niên đại diện cho 19 quốc gia. Tuy nhiên để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất nước Đức, quy chế Cộng hòa đó chỉ có giá trị đến hết ngày 21.10.2002. Sau ngày này dân làng lại vui vẻ quay về với cái bảng tên làng Rüterberg, có kèm theo dòng chữ chú thích phía dưới - Làng Cộng hòa.

Ngay nay làng Cộng hòa Rüterberg đã đi vào lịch sử, cũng như ông thợ may Hans Rasenberger, một nhà lập quốc, cũng như tờ giấy A4 biên bản cuộc họp ngày 08.11, một bản tuyên ngôn độc lập.

Köln 31.10.2017, nghỉ lễ Cải cách đạo Tin lành (Reformationstag)

Xuân Thọ   

(1https://de.wikipedia.org/wiki/R%C3%BCterberg 

(2) Video nói về đài Truyền hình Rostock, Lúc đó tôi đã về VN lâu rồi, nhiều nhân vật trong video là đồng nghiệp: https://www.youtube.com/watch?v=_pp6LBj1DEg  

Ảnh: Internet
 
Bảng tên làng chính thức hiên nay. Danh từ "Làng cộng hòa" (Dorfrepuplik) chỉ chú thích nhỏ bên dưới để nhắc về lịch sử.

.
Bảng tên làng trước 21.10 2002, ghi là: Làng cộng hòa Rüterberg chào đón mọi người.

.
Di vật kỷ niệm: Hàng rào giây thép gai.
Nguồn: Alamy Stock Photo

.
Hàng rào thép gai kép có đường đi tuần của lính biên phòng trước 09.11.1989

.
Nhà lập quốc, ông Rasenberger cất cao lá cờ của nền cộng hòa Rüterberg ngày 08.11.1989

.
Quốc huy, dấu bưu điện của làng cộng hòa Rüterberg

.
Quốc huy của làng Cộng hòa do con trai ông thợ may Rasenberger nghĩ ra và được công nhận

.
Di tích của hàng rào có bảng báo hiệu sẽ bị bắn nếu vượt qua. Dòng chữ khắc trên hòn đá: "Tưởng nhớ những nạn nhân của sự vô nhân đạo"
.
Dấu vết của tháp canh giữa làng năm nào.
 Từ khóa: Tác giả Xuân Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây