Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): MỘT VỤ TRỤC XUẤT MẤY CẤP XÉT XỬ

Thứ tư - 08/08/2018 14:55
LTS: Những năm gần đây khủng hoảng nhập cư trở thành vấn đề nóng bỏng ở Đức, thậm chí đã làm giảm uy tín của Thủ tướng Đức Angela Merkel và gây sóng gió cho chính phủ của bà. Trong đó, việc trục xuất những người nhập cư vướng phải tội phạm hình sự luôn gây ra những tranh cãi triền miên giữa các cơ quan liên quan. Ví dụ dưới đây cho thấy việc trục xuất một người tỵ nạn đã làm cho chính giới Đức "đau đầu" như thế nào để cả chính quyền và tòa án đều không „mất thể diện“ và những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền vẫn được tuyệt đối tôn trọng. Cũng qua đây chúng ta có thể liên hệ để thấy sự phức tạp của vụ Trịnh Xuân Thanh xin tị nạn ỏ Đức...
Nghi phạm Sami A
Nghi phạm Sami A

  Một người tỵ nạn đã bị bác đơn từ hơn chục năm trước và nay bị đưa về nước gốc. Tin này không có gì phải chú ý trong thời buổi „bão hòa“ thông tin như hiện nay. Nhưng đáng chú ý lại là những câu chuyện „bây giờ mới kể“ xung quanh vụ này.

           „Sami A“ là người Tunisi, sang du học ở Đức năm 1997, ban đầu học chuyên ngành kỹ thuật dệt may ở Krefeld, sau đó chuyển sang học ngành điện tử, tin học, sống ở Köln và Bochum. Theo nguồn tin của cơ quan điều tra, 1999-2000 Sami A đã sống một vài tháng ở biên giới Afghanistan- Pakistan với mục đích tham gia lớp huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaida, trở thành thành viên đội bảo vệ của Bin Laden. Một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy Sami A gặp gỡ với Rami Binalshibh, kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9/01 ở Mỹ. Bản thân Sami A bác bỏ việc tham gia huấn luyện ở trại khủng bố mà nói tham dự lớp đào tạo về tôn giáo ở Pakistan. Từ 2000 đến 2005 Sami A trở lại Đức, làm công việc truyền giáo trong giới Salafist ở Đức; 2006 bị khởi tố điều tra vì tham gia tổ chức khủng bố, nhưng 2007 đình chỉ điều tra vì chưa đủ cơ sở. Tuy nhiên Sami A bị đưa vào diện trục xuất do đơn tỵ nạn của y đã bị từ chối tháng 9 năm 2007. 2010 Tòa án hành chính (VG) ở Düsseldorf ra phán quyết là không thể trục xuất Sami A về Tunisi do nguy cơ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo ở Tunisi. Tòa hành chính cấp trên (OVG) ở Münster y án và trên cơ sở phán quyết này, cơ quan tỵ nạn Liên bang (Bamf) đưa Sami A vào diện „cấm bị trục xuất“.

            Sau „mùa xuân Ả-rập“ và thay đổi chính trị ở Tunisi, năm 2014 Bamf đưa Sami A ra khỏi diện bị cấm trục xuất vì không còn nguy cơ tra tấn ở nước gốc. Nhưng tòa án các cấp lại nhìn nhận khác. Tháng 6/2016 Tòa hành chính Gelsenkirchen và tháng 4/2017 OVG Münster phán là nguy cơ vẫn còn lớn nếu như Sami A bị trục xuất về Tunisi.

          Mặc dù có phán quyết của OVG Münster tháng 4/2017 nhưng bang Nordrhein-Westfalen (NRW) vẫn kiên quyết đề nghị cảnh sát Liên bang hỗ trợ và được ấn định sẽ trục xuất trên chuyến bay thường lệ ngày 12/7/2018. Trước đó Bamf đã ra quyết định trục xuất. Ngày 25/6 khi Sami A đến trình diện như thường lệ thì bị bắt giữ ngay tại đồn cảnh sát và đưa đến trại tạm giữ. Do lo ngại Sami A phản ứng mạnh trên chuyến bay thường lệ nên cảnh sát Liên bang quyết định đưa về Tunisi trên chuyến bay thuê riêng về Enfidha.

          Khi nhận được thông tin về việc trục xuất Sami A, tòa án đã yêu cầu tạm ngừng trục xuất do „không có cam kết ngoại giao từ Chính phủ Tunisi“ bảo đảm việc Sami A không bị tra tấn khi về nước. Đến19.20 giờ ngày 12/7 quyết định của VG đã được ban hành, nhưng vào thời điểm đó bộ phận hành chính của Tòa án không còn người làm việc để tống đạt cho các bên liên quan. Sớm tinh mơ ngày 13/7/18 cảnh sát bang NRW điệu Sami A từ trại tạm giữ và đưa thẳng ra sân bay Düsseldorf, bàn giao cho cảnh sát Liên bang lúc 05.5 giờ. Đúng 6.54 giờ chuyên cơ cất cảnh đưa Sami A về Tunisi.

          „Quả bóng trách nhiệm“ đá đi đá lại

          Cũng sáng 13/7 khi gửi qua fax quyết định hoãn xuất cảnh cho các bên liên quan, VG Gelsenkirchen mới biết Sami A đang ở trong khu vực quá cảnh ở sân bay nên đã yêu cầu cơ quan ngoại kiều Bochum phải đưa ngay đương sự quay lại. Lúc 09.36 giờ máy bay chuyên cơ rời Enfidha quay về Đức không có Sami A thì mãi sau 10 giờ cảnh sát mới nói tòa án có lệnh hoãn trục xuất. Chiều 13/7 VG ra thông báo nói rõ việc trục xuất trên „vi phạm trắng trợn pháp luật“ và „vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền“ và cũng do đó mà Sami A phải ngay lập tức được đưa trở lại Đức bằng kinh phí của cơ quan ngoại kiều. Đáp lại, Bộ Tư pháp Tunisi tuyên bố sự việc liên quan đến Sami A hiện giờ „thuộc thẩm quyền của tư pháp Tunisi, một nhà nước có chủ quyền“ và sẽ không đưa Sami quay trở lại Đức.

          Các cơ quan chức năng của bang NRW nộp đơn lên tòa án phản đối việc yêu cầu đưa đương sự trở lại Đức. Thủ hiến bang Armin Laschet nói „Chính phủ bang hành động theo quy định pháp luật“ và quyết định của tòa án đến… muộn. Trả lời báo chí sau đó ông Laschet còn nói thêm „kết cục chúng ta có thể mừng là đối tượng nguy hiểm này không còn ở Đức nữa“. Thủ tướng Merkel trong một phát biểu gần đây tại Quốc hội đã từng nói „không thể chấp nhận được việc cận vệ của Bin Laden vẫn còn ở lại Đức“. Bộ trưởng Nội vụ Seehofer tuyên bố „mục tiêu của ông là bằng mọi cách trục xuất Sami A ra khỏi Đức“. Bộ trưởng Nội vụ bang NRW Joachim Stamp phủ nhận mọi trách nhiệm và cho biết khi ra quyết định trục xuất ông không hề biết có quyết định của tòa.

          Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 16/7, Người phát ngôn Chính phủ Steffen Seibert nói „Chính phủ Liên bang lấy làm tiếc về việc Sami A vẫn bị trục xuất về nước mặc dù có quyết định của tòa. Quyết định của một tòa án độc lập phải được tuân thủ“. Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ thì vấn đề ở đây là việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền phải được coi là tối thượng. Dư luận thì cho rằng đã là nguyên tắc pháp quyền thì không chỉ cá nhân hay tổ chức mà Nhà nước và các cơ quan chính phủ cũng phải tuân thủ như nhau. Bản thân Sami A thì cho rằng ông ta bị „bắt cóc“ về Tunisi với sự tham gia trực tiếp của cảnh sát Liên bang. Cho đến nay cơ quan điều tra cũng chưa bao giờ đưa ra được chứng cứ nói rằng ông ta là „khủng bố“ hay thậm chí là cận vệ của trùm khủng bố Bin Laden.

             Xung đột giữa chính trị và tư pháp?

          Xử lý khủng hoảng tỵ nạn từ trước đến nay luôn là trọng tâm của Chính phủ Đức và trục xuất những người bị bác đơn tỵ nạn về nước gốc là một trong những biện pháp kiên quyết nhưng cũng khó khăn nhất.

          Đa số người dân Đức cho rằng việc trục xuất Sami A về nước là đúng đắn vì dù không chứng minh được những hành động cụ thể của đương sự liên quan đến khủng bố, nhưng nguy cơ khủng bố từ các tổ chức khủng bố quốc tế như IS hay al-Qaida là rất lớn và hiện hữu ở Châu Âu và Đức. Nhiều vụ khủng bố vừa qua ở Đức đều liên quan đến các phần tử khủng bố trà trộn trong dòng tỵ nạn đến Châu Âu từ năm 2015. Vì lẽ đó nên việc Chính phủ có gây „sức ép“ đối với cảnh sát để bằng mọi cách sớm đưa nghi phạm ra khỏi Đức cũng là điều dễ hiểu; thời gian qua dư luận cũng đã từng „bức xúc“ về thông tin cảnh sát chậm xử lý thông tin dẫn đến những vụ khủng bố như ở Berlin.

          Tuy nhiên đối với một Nhà nước pháp quyền như Đức thì vụ việc đáng tiếc nêu trên lại đặt ra những vấn đề có tính nguyên tắc. Trục xuất những nghi phạm như Sami A hay những người bị bác đơn tỵ nạn là việc làm cần thiết và hợp pháp, thuộc thẩm quyền của chính quyền các cấp. Sự việc này cũng đã lên đến tận cấp cao nhất, thành chủ đề tranh luận tại Nghị viện, trong dư luận cũng như giữa các đảng chính trị. Từ chục năm nay việc trục xuất Sami A về Tunisi luôn bị tòa án hành chính ngăn cản vì lý do duy nhất là nguy cơ đương sự có thể bị tra tấn và đó là cơ sở để tòa ra quyết định cấm trục xuất. Tòa án hành chính VG Gelsenkirchen là cấp xét xử thấp nhưng có thể bác bỏ quyết định hành chính nếu cho rằng nó không phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong vụ Sami A quyết định này còn được sự chuẩn y của tòa cấp trên OVG Münster nên hiệu lực pháp luật cao. Các cơ quan hành pháp từ trung ương đến các bang có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của tòa, điều mà Người phát ngôn Chính phủ Seibert cũng nhấn mạnh.

          Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào để cả chính quyền và tòa đều không „mất thể diện“ và những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền vẫn được tuyệt đối tôn trọng. Riêng về đề nghị của VG Gelsenkirchen là „đưa Sami A về ngay Đức“ thì đa số tỏ ra „sehr skeptisch“ (cực kỳ nghi ngại) và có nguy cơ là „Super GAU“ (điều cực kỳ tồi tệ). Việc đưa một nghi phạm cộm cán liên quan đến khủng bố như Sami A quay trở lại Đức chỉ vì sự hợp tác lỏng lẻo giữa các cơ quan chức năng có ít nhiều xu hướng cực đoan. Thực tế thì hoàn toàn không có chuyện Tunisi bàn giao Sami A lại cho tư pháp Đức vì đó không khác gì hành động „dẫn độ công dân“ cho một nước khác, điều mà pháp luật và thực tiễn quốc tế không khuyến khích.

Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây