Đêm nhạc Văn Quán “Trịnh Công Sơn - TÀI và MỆNH”

Thứ tư - 02/05/2018 01:46
Ngày 29.04.2018 vừa qua tại TP Leipzig, CHLB Đức, Văn Quán do nhạc sĩ Dương Hoài Nam làm quán chủ đã tổ chức thành công đêm nhạc Trịnh Công Sơn lần thứ 3 với chủ đề: “Trịnh Công Sơn - TÀI và MỆNH”.
Đêm nhạc Văn Quán  “Trịnh Công Sơn - TÀI và MỆNH”.  Ảnh: Đỗ Anh Đức
Đêm nhạc Văn Quán “Trịnh Công Sơn - TÀI và MỆNH”. Ảnh: Đỗ Anh Đức

Đến tham dự ngoài những giọng hát quen thuộc của cộng đồng như chị Đỗ Thu Hà (con gái rượu của Nhạc Sĩ – Thiếu Tướng Đỗ Văn Phúc), chị Lê Thư (Magdeburg), anh Hồng Hà và chị Bích Thủy (Halbestadt), ca sĩ MC Hiền Phan (Berlin) v.v... cùng nhiều những gương mặt tiêu biểu khác của những người yêu nghệ thuật cộng đồng từ nhiều vùng miền nước Đức như Braunschweig, Gardelegen, Ausburg, Nuernberg, Dresden, Leipzig, Halle, v.v... chương trình còn hân hạnh được đón tiếp các nghệ sĩ đến từ Praha. Đặc biệt còn có sự góp mặt của nữ sĩ Đoàn Hải Bến (Hof), người đã lặn lội hơn 400km với vết thương còn chưa lành do tai nạn giao thông, nhưng vẫn ấm áp tình cảm để đến với Văn Quán. 
 
Nữ sĩ Đoàn Hải Bến (cầm hoa) với vết thương còn chưa lành do tai nạn giao thông, nhưng vẫn ấm áp tình cảm để đến với Văn Quán. 

Điều đáng chúc mừng và cổ vũ tại Văn Quán lần này còn là sự góp mặt của các cháu thiếu nhi như hai cháu Luna Tường Ngọc và Martin Đại Du với tác phẩm “Mẹ Đi Vắng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1982, khi ông đến thăm người bạn thân của mình là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, và được nghe con trai của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (lúc bấy giờ mới 4 tuổi) đang tập tành làm thơ, ông đã lấy bài thơ trẻ con ấy phổ nhạc. Bên cạnh đó là cháu Thịnh, con trai của chị Kim Bích đã độc tấu Organ bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”. 
 
Hai cháu Luna Tường Ngọc và Martin Đại Du với tác phẩm “Mẹ Đi Vắng”
 
Nói về sự thành công của đêm nhạc Trịnh lần này, nhạc sĩ Dương Hoài Nam đầy trăn trở: “Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta có câu: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ TÀI chữ MỆNH  khéo là ghét nhau.” Rốt cuộc rồi “cái sự ghét nhau ấy” nó đến mức độ nào mà khiến cho vị nhạc sĩ tài hoa trở nên bạc mệnh như thế? Chính để tìm hiểu “cái sự ghét nhau” kia, khi thực hiện chương trình này, tôi vẫn mong các bạn về đây hãy cứ thể hiện chất Trịnh như cách của chính các bạn muốn, có thể gào thét lên một vài câu, có thể thầm lặng rơi một giọt lệ, có thể giàng xé những tiếng thất thanh, để kể lên sự đau đớn trong cuộc đời của vị cố nhạc sĩ của chúng ta.”
 
Chị Đỗ Thu Hà chia sẻ: “Bình thường tôi rất ghét phải hát mở màn, thứ nhất là vì áp lực, thứ hai là vì cảm giác như mình là “chuột bạch” để thử âm thanh cho mọi người hát sau. Nhưng hôm nay tôi lại được giao nhiệm vụ mở màn này, với nỗi đau của bia đá trong “làm sao em biết bia đá không đau” thì tôi cũng mong “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” mà tôi thể hiện, sẽ phần nào xoa dịu đi những nỗi đau trong lòng của các bạn yêu âm nhạc trong chương trình này.”
 
Chị Đỗ Thu Hà biểu diễn cùng nhạc công người Đức (bên trái) và Quán chủ Dương Hoài Nam
 
Một nốt son khác trong chương trình là chị Thu Phương (Gardelegen) khi liên tục phải hát đảo phách trong một ca khúc khó, chị xúc động nói: “Nỗi cô đơn trong “Chiều một mình qua phố” của Trịnh thật sự rất khó để hát cho trọn vẹn, đây chỉ là lần thứ hai tôi đến với sân khấu Văn Quán, sở trường của tôi lại là dân ca. Tôi đã phải tập luyện rất nghiêm túc để cảm nhận sự cô đơn này của ông, thật sự rất hạnh phúc và cảm ơn vì mọi người đã đón nhận nó.”
 
Chị Thu Phương với “Chiều một mình qua phố”
 
Cộng đồng luôn biết đến nhạc sĩ Dương Hoài Nam và Văn Quán của anh như một nốt trầm rất xao xuyến trong sân chơi âm nhạc cho bà con kiều bào xa xứ tại CHLB Đức. Vẫn với phương châm lao động nghệ thuật rất nghiêm túc của anh là: “Xã hội hóa sân khấu và sân khấu hóa xã hội”, Văn Quán ngày càng đến gần với khán giả yêu âm nhạc khắp mọi miền nước Đức nói riêng và các nước Châu Âu lân cận nói chung. Với không gian ấm cúng nhưng không kém phần sang trọng, sân khấu Văn Quán của anh Dương Hoài Nam đã khiến khán giả liên tưởng đến sân khấu của Thúy Nga Paris By Night của những năm tháng mới sơ khai. Mong rằng sân khấu Văn Quán này sẽ tiếp tục cho ra đời những đêm nhạc lắng đọng và đa sắc màu nghệ thuật hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu đam mê ca hát của các khán giả yêu âm nhạc gần xa.

Một vài hình ảnh của đêm nhạc:
 
 
 
 
 
 
 
 

Xin mời xem thêm 3 chùm ảnh: 

>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn lần thứ 3 tại Văn Quán. Ảnh: Đỗ Anh Đức    
 
Bài: Lâm Tường Vi
Ảnh: Đỗ Anh Đức
Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Trang

    Không biết đêm nhạc này có xin phép Trung Tâm bản quyền hay gia đình Trịnh Công Sơn chưa.

      Trang   03/05/2018 17:47

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây