Đức: Bảo mẫu người Việt sẽ phải ra hầu tòa vì làm trẻ tử vong

Thứ bảy - 06/01/2018 04:21
Tin không vui đầu năm: Cứ tưởng chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ chỉ có ở Việt Nam nào ngờ bây giờ "truyền thống" ấy đã lan sang cả cộng đồng người Việt ở Đức!
Hình minh họa: Internet
Hình minh họa: Internet

 

Vụ việc đã xảy ra từ ngày 13.06.2017 tại một gia đình người Việt ở quận Marzahn, Berlin. Theo bản cáo trạng của công tố viên thì nữ nghi phạm tên là L. Thi, 41 tuổi bị buộc tội trong khi làm việc trông trẻ tại gia đình trên đã liên tục rung, lắc cháu bé 15 tháng tuổi rất mạnh và đập đầu cháu vào một vật thể cứng gây thương tích nặng cho cháu.

Theo tờ BZ, cha mẹ cháu bé đã tìm người trông trẻ bằng cách dán những mảnh giấy tìm việc, tìm người trong chợ Đồng Xuân, Berlin. Khi người phụ nữ này theo đó gọi điện đến xin việc, họ đã hỏi han rất kỹ trước khi giao con cho bà ta trông. Người phụ nữ tự giới thiệu là bản thân đã có hai con nên rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm nuôi trẻ nhỏ. Cha mẹ cháu bé đã tin lời bà ta và cho ăn ở luôn trong nhà. Ngày 13.06.2017, trong lúc họ đi làm, chị gái của bé đi nhà trẻ, ở nhà chỉ có bảo mẫu trông bé trai hơn một tuổi thì xảy ra vụ việc trên.

Khi thấy tình hình có vẻ „nghiêm trọng“ người phụ nữ đã gọi điện thoại cho bố mẹ bé và nói rằng con trai của họ „không  được khỏe“. Gia đình cháu đã vội vàng về nhà và gọi xe cấp cứu ngay nhưng cũng không cứu được tính mạng của bé, dù bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Vì vết thương ở đầu quá nặng, ảnh hưởng đến não, ba ngày sau bé đã tử vong trong bệnh viện.

Điều tra của cảnh sát cho biết, người phụ nữ trông trẻ này sống bất hợp pháp ở Đức và sau khi xảy ra vụ việc bà ta đã có ý định chạy trốn nhưng không thành. Bảo mẫu này đã bị bắt và ngồi trại tạm giam từ 22 tháng 7 năm 2017 đến nay để chờ ngày xét xử. Sắp tới nghi phạm sẽ phải ra hầu tòa tại thành phố Berlin với tội danh „ngộ sát“. Nếu bị kết án thì với tội danh này bà ta phải đối mặt với bản án ít nhất là 5 năm tù.

Riêng chuyện bảo mẫu chúng tôi luôn khuyên các bậc cha mẹ rằng khi con cái còn nhỏ họ nên tự trông coi con mình. Nếu vì hoàn cảnh nào đó bắt buộc phải tìm người trông con thì chỉ gửi người ruột thịt hoặc bà con, họ hàng thân thuộc. Hãy đợi đến khi có chỗ gửi trẻ do Jugendamt cấp giấy phép thì lúc ấy mới đi làm và cũng chỉ nên làm đúng như giờ quy định.

Nhiều gia đình người Việt có động cơ, lý do riêng đã phải gửi con từ khi còn rất nhỏ cho người lạ trông để đi làm ăn nên đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên. Một lần nữa xin khuyến cáo các bậc làm cha mẹ: Không tiền của nào bằng con cái mình cả! Hãy bỏ thời gian chăm sóc chúng để tránh những sự việc khủng khiếp có thể xảy ra. Những biến cố mà khi chúng đã phát sinh thì mình dù có ân hận cả đời cũng không thể lấy lại được những gì đã mất!

Hà An 

Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Tuyết Minh

    BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015
    Điều 60. Bị can
    1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.
    Điều 61. Bị cáo
    1. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

    Ở đây (đang nói trước hết ở Đức) cần hiểu Viện công tố có quyền truy tố bị can ra Tòa và giai đoạn đó TUYỆT ĐỐI LÀ BỊ CAN, chứ không thể là BỊ CÁO như „VŨ đại ngày nay“ khẳng định, và điều đó cũng thể hiện ở Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự mới nhất hiện nay của VN. Và Viện công tố khi gửi Bản cáo trạng tới Tòa thì không đồng nghĩa Tòa phải mở vụ án xét xử, mà động tác của Tòa sau khi kiểm tra không có lỗi kỹ thuật thuần túy thì Tòa sẽ gửi Bản cáo trạng đến cho bị can để bị can có ý kiến vào đó. Trong 1 thời hạn này (nhiều người Việt vi phạm ở Đức đã nhân những văn bản này) mà bị can phản đối, có bằng chứng … - tóm lại có lí luận vững chắc và Tòa án thấy Bản cáo trạng thiếu cơ sở thì Tòa án Đức sẽ không ra quyết định mở phiên Tòa, và khi đó vị thế nghi phạm chỉ dừng ở vị trí BỊ CAN. Tương tự theo Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì cũng tương tự: „Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.“ (Tức là Viện kiểm sát có quyền ra Bản cáo trạng để gửi tới Tòa để đề nghị Tòa cho truy tố ai đó, nhưng quyền đưa ra xét xử hay không thì cần hiểu đúng LÀ QUYỀN CỦA TÒA!!!)

      Tuyết Minh   09/01/2018 04:05
  • Vu Dai Ngay Nay

    Gửi đồng chí Tuyết minh. Tôi dung từ đồng chí vì không biết "đồng chí" là giống đưc, cái hay giống trung. Đã bị truy tố ra tòa thì tiếng gì cũng là: BỊ CÁO. Còn cái từ bị can của đồng chí là chỉ đối tượng chưa có hồ sơ cáo trạng đưa ra tòa. Theo tôi thì ta không nên bắt bẻ nhau về nghĩa của tiếng Việt. Chắc đồng chí cũng hiểu vì sao!!!

      Vu Dai Ngay Nay   09/01/2018 02:03
    • @Vu Dai Ngay Nay : Bạn hiểu sai rồi, việc câu chữ ở tòa án rất quan trọng "sai một ly đi một dặm", Bạn nên dành thời gian tìm hiểu luật pháp ,cái này rất có lợi cho bạn khi mà phải đụng chạm tới toà án, nếu mình hiểu rõ về luật thì mình sẽ không bị thiệt thòi. Bạn Tuyết Minh giả thích rất rõ và tỉ mỉ như vậy bà con cũng nên tham khảo để hiểu thêm về luật pháp bà con không nên chủ quan mà cần phải biết. Đây là những kiến thức cơ bản cần phải biết Cảm ơn bạn Tuyết Minh.

        Hoàng Linh   10/01/2018 20:14
    • @Vu Dai Ngay Nay: Đề nghị ĐG Vũ đại … xem lại (còn không muốn xem cũng dễ hiểu!): BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015

      Điều 60. Bị can: Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự.
      Điều 61. Bị cáo: Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

      Còn ở Đức Viện công tố có quyền truy tố bị can ra Tòa và giai đoạn đó TUYỆT ĐỐI LÀ BỊ CAN, chứ không thể là BỊ CÁO như „VŨ đại ngày nay“ khẳng định, và điều đó cũng thể hiện ở Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự mới nhất hiện nay của VN. Và Viện công tố khi gửi Bản cáo trạng tới Tòa thì không đồng nghĩa Tòa phải mở vụ án xét xử, mà động tác của Tòa sau khi kiểm tra không có lỗi kỹ thuật thuần túy thì Tòa sẽ gửi Bản cáo trạng đến cho bị can để bị can có ý kiến vào đó. Trong 1 thời hạn này (nhiều người Việt vi phạm đã nhân những văn bản này) mà bị can phản đối, có bằng chứng … - tóm lại có lí luận vững chắc và Tòa án thấy Bản cáo trạng thiếu cơ sở thì Tòa án Đức sẽ không ra quyết định mở phiên Tòa, và khi đó vị thế nghi phạm chỉ dừng ở vị trí BỊ CAN. Tương tự theo Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì cũng tương tự: „Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.“ (Tức là Viện kiểm sát có quyền ra Bản cáo trạng để gửi tới Tòa để đề nghị Tòa cho truy tố ai đó, nhưng quyền đưa ra xét xử hay không thì cần hiểu đúng LÀ QUYỀN CỦA TÒA chứ không nên nói bừa!!!)

        Tuyết Minh   09/01/2018 04:12
    • @Vu Dai Ngay Nay: Đã nói đến Điều khoản--- để nếu ai thắc mắc có thể tự tra mà „Vũ đại ngay nay“ vẫn lên giọng sửa lưng người khác mà chả lấy 1 cơ sở, lý lẽ nào để thuyết phục người khác – và sau đó lại phán: „Theo tôi thì ta không nên bắt bẻ nhau về nghĩa của tiếng Việt“. Thú thực chả hiểu „Vũ đại ngay nay“ muốn gì! Nhiều khi nói chuyện với … còn có lý hơn!

        Tuyết Minh   09/01/2018 03:29
  • Tuyết Minh

    Tuy đầu năm mới nhưng vẫn mạnh dạn góp ý 1 chút về bài „phỏng dịch“ của Dịch giả (DG) Hà An (hy vọng và tin không bị DG giận) . Theo nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật quốc tế nói chung mà cả Việt nam cũng tuân thủ nguyên tắc này thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, và nhất là bị cáo khi ra Tòa được Tòa tuyên „trắng án“ chẳng hạn (lí do không thể kết tội như Viện công tố buộc tội, chứ không nhất thiết vô tội) thì lúc đó ai bình luận hay kể cả dịch về đối tượng mà bạn đọc có cảm giác có tội và sẽ bị kết án thì dễ bị hẫng, vì sự việc lại có vẻ khác so bài báo. Đấy là giả thiết, chứ bản thân tôi cũng chịu không biết kết quả cuối cùng của vụ này thế nào, liệu tuyên có tội hay án trắng. Vì thế ngay trong tiêu đề cẩn thận chỉ nên dừng ở dạng nghi vấn: Bảo mẫu người Việt ra hầu tòa vì bị đổ tội ( hay nghi vấn) làm trẻ tử vong. Và câu sau đây tôi cũng cho là nói manh quá mức: „Với tội này bà ta phải đối mặt với bản án ít nhất là 5 năm tù.“. Câu nguyên văn của báo BZ là: „Bei einer Verurteilung wegen Totschlag müsste L. für mindestens fünf Jahre ins Gefängnis“ tôi sẽ tạm dịch như sau 1 chút tinh tế trong dịch thuật lĩnh vực tư pháp cần lưu ý khi nghi phạm giai đoan bị Viện công tố truy tố ra Tòa sẽ bị gọi là bị can (Angeschuldigter) theo Điều 157 Luật tố tụng hình sự Đức – tuy vậy nói „nghi phạm“ trong toàn bộ vụ tố tụng sẽ không sợ bị sai về mặt nội dung (nhưng nếu đã dịch từ „Angeschuldigter“ thì chỉ có thể dịch là „bị can“)..

      Tuyết Minh   07/01/2018 00:40
    • Trả lời bác @Tuyết Minh: Không những không giận mà còn rất cảm ơn bác Tuyết Minh đấy ạ! Làm công việc có liên quan đến dịch thuật mà được những người có kinh nghiệm như bác góp ý là quý lắm. Tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng cũng là một cách để học hỏi, trau dồi kiến thức.
      Em xin đính chính bác tý thôi là bài em viết về sự việc xảy ra thôi chứ không phải bài dịch ạ! Em đọc thông tin từ báo Đức và viết lại nội dung ra tiếng Việt để đồng bào nào không có điều kiện đọc trực tiếp tiếng Đức thì vẫn biết là có chuyện như thế xảy ra. Đọc xong, viết nhanh và đăng ngay để đảm bảo tính chất thời sự nên cũng không có thời gian chọn từ và kiểm tra kỹ (đôi chỗ còn bỏ qua). Nay đọc góp ý của bác em đã chỉnh sửa lại hai chỗ trong bài để tránh bạn đọc hiểu sai, hiểu lầm.
      Đúng như bác nói về cái tinh tế trong dịch thuật. Cái này ngoài năng khiếu, kinh nghiệm lại còn phải có kiến thức chuyên ngành nữa. Em làm bên giáo dục, xã hội, khi còn đi học thì Luật cũng chỉ là một trong nhiều môn thi thôi nên trong việc sử dụng từ ngữ chuyên môn nhiều khi cũng chưa được chính xác, nhất là những lúc thiếu thời gian.
      Rất cảm ơn bác, nhờ có bác hôm nay em lại bổ sung vào vốn kiến thức, từ vựng về Luật. Nhiều lần đọc còm của bác trên NguoiViet.de, thấy đều là những còm có chất lượng nên rất mong bác tiếp tục cho ý kiến những bài về sau và nếu có dịp "hữu duyên" em rất mong được diện kiến để xin bác ít phút đàm đạo!

        Hà An   08/01/2018 04:28

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây