Cơ hội thành lập chính phủ Đức: CDU/CSU muốn "đại liên minh", SPD xem cải tổ EU là điều kiện

Thứ ba - 28/11/2017 11:32
Đức chính thức bước vào một tuần mới quan trọng với các cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và Đảng Dân chủ xã hội (SPD) nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị tại quốc gia này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz. (Nguồn: EPA/TTXVN)


Đảng của bà Merkel muốn liên minh với SPD thành lập chính phủ mới

Ngày 26-11, trong nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay, các nhà lãnh đạo Liên minh Dân chủ Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí theo đuổi mục tiêu thành lập một chính phủ "đại liên minh" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). 

Các nghị sĩ CDU/CSU khẳng định, chính phủ đại liên minh sẽ là lựa chọn tốt nhất cho nước Đức, thay vì một liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, hoặc tiến hành bầu cử lại. Thông tin này được đưa ra sau khi SPD thay đổi quan điểm, nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò về liên minh cầm quyền với Thủ tướng A.Merkel. Thủ tướng A.Merkel cũng khẳng định sẵn sàng thỏa hiệp để sớm thành lập một chính phủ ổn định, hiệu quả, song các cuộc đàm phán với SPD phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Một số tiêu chí được bà A.Merkel nêu ra trong đàm phán gồm đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới, giảm thuế cho những người có mức thu nhập trung bình và thấp, bảo đảm nhu cầu về lực lượng lao động cho nền kinh tế.


SPD xem cải tổ EU là điều kiện liên minh với Thủ tướng Đức Merkel

Sự bế tắc trên chính trường Đức sau khi các cuộc đối thoại thành lập liên minh 3 bên thất bại, đặt ra câu hỏi về vai trò và uy tín của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dưới sức ép gia tăng để đảm bảo sự ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thay đổi lập trường, nhất trí đối thoại với liên đảng của Thủ tướng Merkel, gia tăng triển vọng về một chính phủ đại liên minh.

Theo Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz, hiện tại cả châu Âu đang nhìn vào nước Đức, các quyết định tại Đức sẽ có tác động quan trọng đến tương lai châu Âu và vì thế, cần có những thảo luận sâu sắc về tương lai của Liên minh châu Âu, trong đó nổi bật là các đề xuất cải cách mới đây do Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đưa ra.


Trong chiến dịch tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử Liên bang hồi tháng 9/2017, ông Martin Schulz đưa ra các quan điểm khá gần gũi với các đề xuất của Tổng thống Pháp, trong đó có việc lập một ngân sách chung cho toàn bộ các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone. Ngoài ra, ông Schulz cũng phản đối việc loại các nền kinh tế yếu kém, như Hy Lạp, ra khỏi eurozone.

Việc ông Schulz đưa ra tuyên bố này cho thấy, dù muốn hay không, sắp tới đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ phải bàn thảo nghiêm túc về lộ trình cải tổ Liên minh châu Âu. Trong thời gian trước đây, bà Merkel vẫn thường né tránh đề cập nhiều đến chủ đề này và luôn tỏ ra thận trọng trước các đề xuất cải cách từ phía Pháp.

Đức bước vào tuần quan trọng với cơ hội đạt được một “Đại liên minh”

Theo dự kiến, tối ngày thứ Năm 30.11 tới, bà Angela Merkel sẽ cùng ông Schulz cũng như Chủ tịch đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), ông Horst Seehofer, tiếp kiến Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, để bàn thảo việc lập Chính phủ “đại liên minh” giữa CDU/CSU với SPD, nhằm đưa nước Đức ra khỏi thế bế tắc chính trị kéo dài suốt 2 tháng qua.


Mặc dù chưa có cuộc đối thoại nào diễn ra, nhưng hai khối này bắt đầu công bố những chính sách ưu tiên,  cho thấy có nhiều điểm khác biệt liên quan đến vấn đề tài chính, di cư, châu Âu, chính sách ngoại giao… Một trong những vấn đề có thể khiến các cuộc đàm phán bế tắc đó là mức trần tiếp nhận người tị nạn.

Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz cho biết sẽ bảo vệ các chính sách của mình trong các cuộc đối thoại: “Tôi sẽ không cố gắng để thành lập một đại liên minh, không cố gắng vì một chính phủ thiểu số hay ủng hộ giải pháp nào đó. Tôi cũng không cố gắng để đưa nước Đức hướng đến một cuộc bầu cử mới. Điều quan trọng là tôi muốn đó là thảo luận với các bên về cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống của người dân, cả ở mức độ quốc gia và quốc tế”.

Theo giới chuyên gia,  trong bối cảnh viễn cảnh thành lập chính phủ mới tại Đức thất bại có thể là một yếu tố bất lợi cho Thủ tướng Merkel vào thời điểm hiện nay, vì vậy sẽ có nhiều khả năng bà Merkel buộc phải thỏa hiệp với các điều kiện của SPD đưa ra.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp đảng, Thủ tướng Merkel khẳng định mong muốn hướng tới một đại liên minh, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau: “Mọi cá nhân tại nước Đức có quyền đi bỏ phiếu và thể hiện mong muốn những vấn đề gì được giải quyết- đó là dân chủ.

Trong cuộc bầu cử tới chúng ta phải làm tốt hơn và giải quyết nhiều vấn đề hơn. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang đánh giá các cuộc đối thoại với Đảng Dân chủ xã hội. Tôi xin khẳng định rõ ràng rằng, các cuộc đối thoại chỉ được tiến hành trên cơ sở nền tảng tôn trọng lẫn nhau”.

Chủ tịch CSU Horst Seehofer cũng cảnh báo, SPD không nên đưa ra quá nhiều yêu sách trong đàm phán, bởi phía liên đảng bảo thủ không muốn đạt được thỏa thuận liên minh "bằng mọi giá".

Trong nội bộ đảng của Thủ tướng Merkel cũng gia tăng sức ép về việc cần phải có một thỏa thuận trước Giáng sinh, cho rằng nếu không có thỏa thuận, đảng Bảo thủ nên lựa chọn một chính phủ thiểu số.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Emnid thực hiện cho biết, đa số người được hỏi (52%) bày tỏ ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng SPD của ông Martin Schulz liên minh cầm quyền.

Hiện châu Âu cũng đang hướng sự quan tâm đến những diễn biến trên chính trường của nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Nhiều quan chức châu Âu đã có cuộc điện đàm với Lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội, kêu gọi đảng này gánh vác trách nhiệm chung đảm bảo sự ổn định của nước Đức và cả châu Âu.

Lương Đình Cường - NguoiViet.de tổng hợp từ HNMO, VOV và báo chí Đức
 Từ khóa: bầu cử ở Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây