Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): BẦU CỬ Ở ĐỨC AI THẮNG, AI THUA?

Thứ ba - 26/09/2017 06:35
Một ngày sau khi bầu cử Liên bang kết thúc, có những chuyện đã rõ, nhưng cũng còn nhiều chuyện chưa rõ. Tương lai chính trị của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thứ tư thế giới đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, chưa có tiền lệ.
Tỷ lệ tăng giảm (%) số phiếu bầu so với cuộc bầu cử quốc hội Đức lần trước năm 2013
Tỷ lệ tăng giảm (%) số phiếu bầu so với cuộc bầu cử quốc hội Đức lần trước năm 2013

Người thắng và kẻ thua ?

Rõ ràng với kết quả kiểm phiếu tính đến nửa đêm qua thì Liên minh dân chủ/xã hội thiên chúa giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn dẫn đầu, với 33% số phiếu, bỏ xa Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) của Chủ tịch SPD Martin Schulz đến hơn 13% (đạt 20,5%). Với kết quả này Liên minh CDU/CSU có quyền đứng ra lập chính phủ mới. Tuy nhiên do không đạt số phiếu tuyệt đối nên chắc chắn sẽ phải liên minh với một hay nhiều đảng khác.

Nói vậy, có nghĩa là CDU/CSU và cá nhân Thủ tướng Merkel là bên thắng. Tuy nhiên nếu so với kết quả năm 2013 thì rõ ràng Liên minh này mất đến 8,8% số phiếu, chỉ còn 33% là mức thấp nhất từ trước đến nay. 

Tương tự, SPD đạt mức tín nhiệm thấp nhất từ trước đến nay (20,5%), giảm 5,2% so với bốn năm trước. Vì CDU/CSU và SPD liên minh với nhau trong chính phủ „Đại liên minh“ nhiệm kỳ 2013/17 nên có thể nói mô hình liên minh này đã gián tiếp bị cử tri Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hai đảng „nhỏ“ là Cánh tả (9,2%) và Đảng Xanh (8,9) tăng không đáng kể (0,5-0,6%) và vẫn có chân trong Quốc hội mới.

Điểm mới lần này là sự trở lại của Đảng dân chủ tự do Đức (FDP) với 10,7%, tăng 6% so với 2013 và đặc biệt là của Đảng Giải pháp cho nước Đức (AfD) đạt đến 12,6% (tăng 7,9%) đưa lực lượng cực hữu này đứng thứ ba tại Quốc hội Đức sau các đảng lớn có truyền thống hàng trăm năm. 

Nếu nhìn nhận như vậy thì bên thắng duy nhất lại chính là xu hướng chính trị cực đoan đang có sức lan tỏa ghê gớm không chỉ ở Đức hay châu Âu và chính điều này làm cho thế giới lo ngại khi nhìn vào kết quả bầu cử vừa qua ở Đức.

Bên thua rõ ràng không chỉ là các đảng chính trị lớn như CDU/CSU, SPD hay mô hình „Đại liên minh“ mà chính là nền dân chủ nghị viện ở Đức. Các nhà chính trị cũng như giới nghiên cứu sẽ phải đau đầu tìm lời giải đáp cho câu hỏi : Vì sao một đảng cực đoan, thiên hữu, bài ngoại, chống lại EU và những ứng cử viên của đảng này với những phát ngôn sặc mùi phân biệt chủng tộc, ca ngợi „truyền thống“ của chủ nghĩa phát xít Đức trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX lại nhận được sự đồng thuận và ủng hộ lớn như thế của người dân Đức? Ở một số nơi, ngay cả ở Đông Berlin đảng này nhận được trên 20% số phiếu tín nhiệm, vượt xa cả SPD.

Mô hình nào cho Chính phủ mới của Đức?

Bà Merkel đã sớm loại trừ khả năng liên minh lập chính phủ với Đảng Cánh tả và AfD. Ông Schulz ngay tối qua sau khi công bố kết quả bỏ phiếu đã tuyên bố rời khỏi Đại liên minh và chuyển sang phe đối lập tại Quốc hội. Như vậy khả năng được nói đến nhiều nhất hiện nay là Liên minh CDU/CSU với FDP và Đảng Xanh hay còn gọi là „Jamaika“ từ mầu cờ của quốc gia Caribic này (Đen/Vàng/Xanh như mầu của ba/bốn đảng này). Jamaika đạt số ghế tuyệt đối trong Quốc hội 393/709 (355 ghế là được).

Đây thực ra là quyết định cực kỳ khó khăn đối với bà Merkel vì làm sao có thể thống nhất quan điểm của bốn đảng này khi mà CSU, FDP và Đảng Xanh quá cách biệt về nhiều vấn đề quốc kế dân sinh cũng như đối ngoại. Bên cạnh đó, mô hình Liên minh Jamaika đến nay cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử Đức từ 1949 đến nay.

Chính vì thế nên ngày 25/9 bà Merkel cũng tuyên bố cũng vẫn sẽ nói chuyện với SPD về khả năng duy trì Đại liên minh. Điều này cũng khó khả thi vì người dân đã gián tiếp bỏ phiếu bất tín nhiệm với Liên minh này và trong nội bộ hai đảng này cũng có nhiều ý kiến phản đối. Ngoài ra nếu SPD tham gia chính phủ thì AfD với tư cách là lực lượng chính trị đứng thứ ba (94 nghị sĩ) sẽ đương nhiên nắm quyền „thủ lĩnh đối lập“ trong Quốc hội, điều mà dư luận rất lo ngại.

Nếu cả phương án Jamaika cũng không đạt được thì để ngỏ 2 khả năng : lập Chính phủ thiểu số gồm CDU/CSU và FDP (326/709) hoặc tổ chức bầu cử lại. Cả hai trường hợp này đều dẫn đến nhiều bất ổn trên chính trường Đức và tác động tiêu cực đến châu Âu và thế giới.


Nguyễn Hữu Tráng  

Xem thêm: 

>> Cùng một tác giả Nguyễn Hữu Tráng

Chú ý: Chỉ được đăng lại bài khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de!

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Lê Văn Ruộng

    Cám ơn sự cố gắng của tác giả. Nếu có điều kiện tác giả có thể giải thích cho công đồng ta biết thêm về các nguyên tắc bầu cử của bạn: ví dụ như : ai giới thiệu ứng cử viên, đơn vị bầu cử thế nào, thế nào là bỏ trực tiếp, thế nào là gián tiếp, hình thức, nội dung trên lá phiếu v.v . Các cháu nhà tôi vừa rồi cũng đi bầu cử đấy, nhưng mà hỏi người Đức ngại quá anh Tráng ơi.

      Lê Văn Ruộng   27/09/2017 18:28

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây